Tiền chảy vào bất động sản công nghiệp có đổi hướng vì thuế tối thiểu toàn cầu?
Dòng vốn tỷ USD từ các “đại bàng” Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… vẫn đang giúp phân khúc bất động sản công nghiệp duy trì sức nóng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng, sức ép có thể sẽ gia tăng.
Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Thuế suất áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ khoảng 800 triệu USD trở lên (trong 2 năm của 4 năm gần nhất).
Sức ép sẽ gia tăng
Theo tính toán ban đầu, sẽ có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, dự kiến tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng (603 triệu USD), tuy nhiên nảy sinh lo ngại tạo “rào cản” cho dòng vốn ngoại.
Một trong những lĩnh vực được dự báo chịu nhiều sức ép nhất là bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh các “đại bàng” từ Á sang Âu đang tìm kiếm thị trường mới trong chiến lược Trung Quốc +1 để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và Việt Nam đang là “cứ điểm” được cân nhắc và lựa chọn.
Các chuyên gia của Nikkei Asia đánh giá một số tập đoàn công nghệ cao, như Samsung , LG, Foxconn, Panasonic, Pegatron hay Intel, vốn đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam trong thời gian qua, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này có thể phần nào đó tác động đến đà tăng trưởng chung của phân khúc bất động sản công nghiệp.
Cần phải nói thêm, trước khi có 15% thuế tối thiểu toàn cầu, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 20%, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hàng loạt chính sách giảm thuế và miễn thuế cho các nhà đầu tư lớn nước ngoài được áp dụng. Điển hình, Samsung chỉ phải trả mức thuế 5%.
“Các chính sách ưu đãi sau khi áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của chúng tôi. Đồng thời, đây cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến những tính toán của các doanh nghiệp nước ngoài khi mở rộng hoặc rót vốn mới vào Việt Nam”, vị đại diện doanh nghiệp nói.
Lo ngại của các doanh nghiệp là có cơ sở, song theo giới phân tích, nếu Chính phủ có những giải pháp tốt, chính sách thuế mới sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.
Vẫn nhiều sức hút
Bà Trinh Nguyễn, một nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, cho hay những thay đổi về thuế thực tế đã được thảo luận từ năm 2022, tuy nhiên, FDI của Việt Nam vẫn đang chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng.
"Các doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư vào Việt Nam chỉ vì lợi ích về thuế. Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế khác như chi phí đầu vào thấp bao gồm điện và tiền lương, nguồn lao động dồi dào cũng như có vị trí “đắc địa” trong việc kết nối với các thị trường lớn trên toàn cầu”, bà Trinh phân tích.
Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Anh Phạm, một chuyên gia kinh tế độc lập, cũng cho rằng việc tăng thuế suất có thể giúp Việt Nam có cơ hội tăng khả năng cạnh tranh. Cụ thể như dùng nguồn thu từ thuế để cải thiện chất lượng lao động, mở rộng cơ sở hạ tầng logistics và cải cách thủ tục hành chính...
Có thể thấy, giới chuyên gia đang có cái nhìn khá lạc quan về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không gây ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp để duy trì sức hút, tăng sức cạnh tranh của phân khúc này.
Thời gian qua, bất động sản công nghiệp xuất hiện những dự án FDI hàng trăm triệu USD, theo khảo sát của Savills Việt Nam. Điển hình như dự án của Fulian Precision Technology (Singapore) với vốn đầu tư 621 triệu USD tại Bắc Giang, dự án 280 triệu USD của Goerteck (Hong Kong) Co. tại Bắc Ninh, dự án của Shandong Haohua Tire (Trung Quốc) trị giá 500 triệu USD tại Bình Phước…
Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, bất chấp những khó khăn toàn cầu, Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định nhờ các động lực chính của thị trường, bao gồm lực lượng lao động trẻ và năng động, chi phí lao động cạnh tranh, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, môi trường kinh doanh ổn định, vị trí địa lý, và các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn những thách thức trước mắt. Theo đó, "Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động để nâng cao năng suất và hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chuỗi cung ứng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và sử dụng đất cũng như ứng dụng số hóa đều là những lĩnh vực trọng tâm", ông John Campbell nhấn mạnh.
Ông Phạm Trường Sơn, trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho rằng sau thời gian dài chỉ chú trọng về mặt số lượng, cạnh tranh bằng giá thuê rẻ, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cần hướng tới phát triển nhà xưởng hiện đại, có khả năng cung ứng những dịch vụ có chất lượng quốc tế với mức giá cạnh tranh.
“Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thế hệ mới cần có thêm nhiều tính năng về logistics, kho bãi, nhà xưởng, đặc biệt chức năng về đô thị dịch vụ... để tăng sức hút, đặc biệt là các đại gia tỷ USD”, ông Phạm Trường Sơn nhấn mạnh.