Tiến độ cổ phần hóa và vấn đề đặt ra
(Tài chính) Tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… đòi hỏi phải có xung lực mới. Vậy tiến độ cổ phần hóa những năm qua ra sao và những vấn đề đặt ra đối với cổ phần hóa ra sao?
Nhìn tổng quát với mức bình quân này, số doanh nghiệp được cổ phần hóa không phải là ít. Số doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ trên 10.000 thời kỳ trước đổi mới, đến đầu năm 2012 chỉ còn 3.265 doanh nghiệp, trong đó, giảm nhanh nhất là các doanh nghiệp do địa phương quản lý.
Nguồn: Ban Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước |
Thời kỳ thứ nhất, từ năm 1992-2000, cổ phần hoá được 558 doanh nghiệp. Trong thời kỳ này, tiến độ còn chậm, do trước khi có Luật Doanh nghiệp, cổ phần hoá diễn ra còn dè dặt, lạ lẫm, trong khi dư luận xã hội đã rộ lên tình trạng “bán tống bán tháo” tài sản Nhà nước ở một số doanh nghiệp Nhà nước.
Thời kỳ thứ hai, từ 2001-2007 (cổ phần hoá được 3.273 doanh nghiệp, chiếm 82% tổng số), đặc biệt là thời kỳ 2003-2006 (cổ phần hóa 2.649 doanh nghiệp, chiếm 66,3% tổng số) được gọi là thời kỳ “bùng nổ” cổ phần hoá với mức bình quân 1 năm rất cao, phản ánh xu hướng kinh tế thị trường tương đối rõ nét sau khi có Luật Doanh nghiệp và chuẩn bị cho việc mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cùng với bùng nổ cổ phần hoá là sự lớn mạnh của khu vực ngoài Nhà nước cả về thị phần cả về số lượng doanh nghiệp, số lao động, lượng vốn, tiêu thụ; vừa khai thác được các nguồn lực của xã hội, vừa phù hợp với việc chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường.
Thời kỳ thứ ba, từ 2008 đến nay, tiến độ thực hiện bị chậm lại với sự ảnh hưởng của 3 yếu tố lớn.
Yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu là về tư duy, khi không ít ý kiến cho rằng doanh nghiệp Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, vì vậy, việc giảm số lượng doanh nghiệp Nhà nước sẽ làm giảm vai trò chủ đạo này. Một số Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước còn lo ngại mình sẽ bị mất hoặc giảm quyền khi doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần.
Yếu tố thứ hai là lạm phát năm cao năm thấp, làm cho giá cả không phản ánh thực chất tài sản của doanh nghiệp Nhà nước. Lạm phát cao sẽ làm phát sinh hiện tượng “lãi giả, lỗ thật”; lạm phát thấp hơn sẽ làm phát sinh hiện tượng về sổ sách hạch toán thì lỗ, nhưng thực chất là lãi (còn gọi là “lỗ giả, lãi thật”).
Yếu tố thứ ba đã được Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đề cập là trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của Nhà nước và kinh tế Nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sở hữu đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền vẫn chưa đủ rõ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Diễn biến trên đặt ra cho thấy cần phải tiếp tục chuyển đối tư duy trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; khắc phục tư tưởng “ngập ngừng”, “thiếu nhất quán”, đồng thời phải coi cổ phần hoá là một trong những nội dung quan trọng, một trong những xung lực mới cả về thể chế, cả về nguồn lực đầu tư, cả về 1 trong 3 nội dung quan trọng của tái cơ cấu.