Tiện ích lớn, hiệu quả cao từ dịch vụ công trực tuyến Kho bạc
Sau hơn 2 năm triển khai dịch vụ công trực tuyến, đến nay, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai thành công việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đây là bước cải cách hành chính mạnh mẽcủa KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, hướng tới hình thành Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Đã có hơn 37.000 đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến
Bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) từ tháng 2/2018, đến nay, hệ thống KBNN đã bổ sung dịch vụ công ghi thu, ghi chi vốn nước ngoài qua KBNN và dịch vụ tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN; triển khai thí điểm kết nối và tích hợp từ các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp vào hệ thống DVCTT của KBNN tại 5 đơn vị.
Cùng với đó, để hiệu chỉnh và mở rộng tài nguyên hệ thống DVCTT, hệ thống KBNN đã hiệu chỉnh các mẫu biểu về chi ngân sách trên các Chương trình DVCTT, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP; hoàn thành tích hợp Dịch vụ công khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Song song với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong tháng 4/2020, KBNN đã đẩy mạnh triển khai DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp với cán bộ kho bạc; đồng thời, hỗ trợ công chức cơ quan KBNN và hệ thống làm việc tại nhà trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Từ những việc làm thiết thực trên, tính đến ngày 30/4/2020, tổng số đơn vị đã đăng ký tham gia DVCTT là 73.595 trên tổng số 92.456 đơn vị, đạt tỷ lệ 79,6%. Riêng tháng 4/2020 có tới 7.837 đơn vị đăng ký sử dụng mới, tăng gấp 3 lần so với các tháng trước khi phát sinh dịch Covid-19.
Tỷ lệ giao dịch thanh toán gửi qua DVCTT là hơn 823 nghìn giao dịch trên tổng số hơn 1,4 triệu giao dịch chi ngân sách, đạt tỷ lệ 55%. Số người sử dụng đồng thời trong tháng duy trì ở mức cao hơn 10.000 người tại một số thời gian cao điểm trong ngày từ 9 - 11giờ, đặc biệt ngày 29/4/2020, tăng cao nhất lên tới 32.000 người dùng đồng thời vào thời điểm 9 giờ sáng. Số lượng giao dịch thanh toán chi ngân sách nhà nước gửi qua DVCTT khoảng 100.000 chứng từ thanh toán và khoảng 60.000 hồ sơ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được KBNN cũng đã triển khai thành công việc tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 4 thủ tục hành chính có tần suất giao dịch với khối lượng lớn. 4 thủ tục hành chính gồm: Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua KBNN; thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp.
Với 4 thủ tục này, ước tính mỗi ngày hệ thống DVCTT của KBNN tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 100 nghìn chứng từ và 50 - 60 nghìn hồ sơ. Việc KBNN đưa thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia với mục đích lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, qua đó, góp phần tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tiện ích lớn, hiệu quả cao
Theo các chuyên gia, việc hình thành thêm một kênh giao dịch điện tử của KBNN để khách hàng có thể tự do lựa chọn giao dịch, đã đưa KBNN đến gần hơn với khách hàng và xã hội. Đây là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và hướng tới hình thành kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Đặc biệt, thời gian gần đây, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai DVCTT đã phát huy được vai trò cũng như chức năng, giúp hệ thống KBNN thực hiện tốt 2 mục tiêu kép là giãn cách xã hội và đảm bảo hoạt động thông suốt. Điển hình như: Tại KBNN Hưng Yên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù cán bộ, công chức bố trí làm việc luân phiên, nhưng KBNN Hưng Yên vẫn đảm bảo tiến độ công việc, khách hàng không phải tặp trung tại KBNN mà vẫn thực hiện giao dịch bình thường thông DVCTT.
Hay tại KBNN Lào Cai, ngay sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát tại Việt Nam, KBNN Lào Cai đã đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách tăng cường giao dịch trên DVCTT. Chính vì vậy, từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 4/2020, số lượng hồ sơ giao dịch trên DVCTT tại đơn vị này tăng cao với 8.689 hồ sơ, tương đương với 1.930 tỷ đồng được thanh toán…
Thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm vận hành DVCTT của KBNN, đến nay đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng, các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đó, DVCTT đã giúp các đơn vị thực hiện gửi hồ sơ, nhận kết quả với KBNN 24/7 ngay tại đơn vị, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Cùng với đó, DVCTT đã giúp đơn vị sử dụng ngân sách theo dõi kịp thời, chính xác tình trạng hồ sơ gửi đến KBNN và giúp họ thuận lợi hơn trong công tác thống kê, báo cáo tài chính.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, KBNN tiếp tục thí điểm kết nối và tích hợp từ các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp vào hệ thống DVCTT của KBNN tại một số đơn vị; hiệu chỉnh và mở rộng tài nguyên hệ thống DVCTT; hỗ trợ các đơn vị KBNN, các đơn vị sử dụng ngân sách đẩy mạnh triển khai DVCTT, đặc biệt là các đơn vị giao dịch với KBNN huyện theo đúng lộ trình của Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, KBNN tiếp tục xây dựng hệ thống sao lưu, lưu trữ điện tử quản lý khai thác sử dụng dữ liệu điện tử trong dài hạn (bao gồm hồ sơ chứng từ gửi qua dịch vụ công và lưu trữ dữ liệu điện tử khác của hệ thống KBNN); triển khai các giải pháp đẩy mạnh triển khai ứng dụng Cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước và DVCTT tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên toàn quốc...
Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 5/2020