Tiến tới thí điểm kiểm tra chuyên ngành tại cơ quan Hải quan
Tính đến tháng 10/2017, ngành Hải quan đã chính thức đưa 6 chi cục kiểm định hải quan đi vào hoạt động. Để đảm bảo cho các chi cục này hoạt động hiệu quả, ngành Hải quan đã đầu tư trang thiết bị phân tích hóa lý, có phòng thí nghiệm vi sinh... đạt tiêu chuẩn để không chỉ phục vụ công tác phân tích phân loại mà còn tiến tới đề xuất Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép cơ chế thí điểm KTCN tại cơ quan Hải quan.
Ông Đỗ Văn Quang, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan:
Việc cơ quan Hải quan tham gia làm đầu mối, trực tiếp thực hiện KTCN sẽ góp phần giảm tải đáng kể thời gian thông quan hàng hóa, tăng cường công tác kiểm định hải quan, kiểm tra chất lượng hàng hoá XNK.
Theo ông Đỗ Văn Quang, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan, hiện nay thời gian thực hiện KTCN chiếm tới 70% thời gian thông quan hàng hóa, do các địa điểm kiểm tra, thủ tục kiểm tra còn nhiều bất cập. Do vậy, việc cơ quan Hải quan tham gia làm đầu mối, trực tiếp thực hiện KTCN sẽ góp phần giảm tải đáng kể thời gian thông quan hàng hóa, tăng cường công tác kiểm định hải quan, kiểm tra chất lượng hàng hoá XNK. Và để làm được điều đó thì việc xây dựng lực lượng, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhằm từng bước thực hiện hóa việc cơ quan Hải quan tham gia làm đầu mối, trực tiếp thực hiện KTCN, Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm định Hải quan vừa chính thức đưa 3 đơn vị: Chi cục Kiểm định Hải quan 1 đóng tại Hà Nội, Chi cục Kiểm định Hải quan 5 đóng tại Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và Chi cục Kiểm định Hải quan 6 đóng tại tỉnh Lạng Sơn đi vào hoạt động. Với trang thiết bị của các phòng thí nghiệm này đảm bảo đúng tiêu chuẩn để tham gia và hỗ trợ công tác KTCN, trước mắt Cục Kiểm định Hải quan sẽ tập trung vào công tác kiểm tra các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, ông Đỗ Văn Quang cho biết thêm.
Qua đó, các đơn vị kiểm định hải quan đã được đầu tư trang thiết bị phân tích hóa lý, có phòng thí nghiệm vi sinh... không chỉ phục vụ công tác phân tích phân loại mà còn tham gia công tác KTCN, cụ thể như: Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm gồm xác định độc tố kim loại nặng trong rau củ quả, một số loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và xác định các chỉ tiêu vi sinh; kiểm tra chất lượng mặt hàng thép và phân bón...
Thêm vào đó, Cục Kiểm định Hải quan cũng được đầu tư 4 trạm kiểm định di động có thể linh hoạt di chuyển đến các khu vực vùng biên giới để thực hiện kiểm tra chất lượng và lấy mẫu, bảo quản mẫu tại hiện trường.
Cũng theo ông Đỗ Văn Quang, các phòng thí nghiệm của đơn vị tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đều là các phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas đối với một số chỉ tiêu về kiểm tra chất lượng phân bón, sắt thép và hàm lượng kim loại nặng trong thực phẩm.
Trong đó, Phòng thí nghiệm tại Chi cục Kiểm định Hải quan 4 đã được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chỉ định là đơn vị được giám định một số chỉ tiêu về phân bón. Do vậy, thời giam tới đơn vị sẽ mở rộng các phép thử thuộc phòng thí nghiệm Vilas với các chỉ tiêu phục vụ công tác KTCN. Đảm bảo điều kiện được chỉ định thực hiện công tác kiểm định các mặt hàng phân bón, sắt thép, và các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dù một số phòng thí nghiệm thuộc Cục Kiểm định Hải quan chưa được công nhận chỉ tiêu Vilas nhưng thực tế cũng đã đủ năng lực để thực hiện KTCN theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các bộ quản lý chuyên ngành ban hành.
Như vậy, Cục Kiểm định Hải quan đã có đủ năng lực tham gia KTCN một số chủng loại, nhóm mặt hàng rau, củ, quả NK (hành tây, cà rốt, nho tươi, táo tươi, lê tươi, khoai tây): Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm kiểm tra hàm lượng kim loại nặng, một số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chỉ tiêu vi sinh. Kiểm tra chất lượng nhóm mặt hàng phân bón khoáng (phân bón khoáng và phân hóa học có chứa nitơ, phosphate, kali; phân bón khoáng hữu cơ và phân bón hữu cơ khoáng). Kiểm tra chất lượng nhóm mặt hàng sắt thép (thép hợp kim, cán phẳng, sắt thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều được cán nóng).
Tuy nhiên, để việc phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan Hải quan được đẩy mạnh hơn nữa và để đảm bảo yếu tố pháp lý cho việc trực tiếp tham gia công tác KTCN của cơ quan Hải quan, ông Đỗ Văn Quang cho biết, đơn vị đang xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra các đề xuất cho phép cơ chế thí điểm KTCN tại cơ quan Hải quan. Đề án sẽ nêu ra các vấn đề về cụ thể về phạm vi, mặt hàng thí điểm và xây dựng cơ sở pháp lý cho công tác KTCN tại cơ quan Hải quan.
Theo đó, việc thí điểm sẽ thực hiện trên cơ sở các mặt hàng Cục Kiểm định Hải quan có đủ năng lực thực hiện tại một số khu vực cửa khẩu, trong thời gian thí điểm Cục Kiểm định Hải quan đề xuất sử dụng thông báo kết quả KTCN của cơ quan Hải quan để thông quan hàng hóa. Sau thời gian thí điểm sẽ đánh giá tác động, nếu đạt hiệu quả tốt thì sẽ kiến nghị sửa các Luật liên quan cho phù hợp.