Tiến trình và quy tắc áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu

Thùy Linh

Thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng từ năm 2013. Dưới sự đồng thuận của 142 nước trên thế giới, dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2024.

Dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2024.
Dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2024.

Tiến trình xây dựng và áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu

Tại báo cáo về Thuế suất tối thiểu toàn cầu mới gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, vào tháng 6/2013, OECD đã khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia G20 thông qua Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (Base Erosion and Profit Shifting – BEPS) với 2 nội dung chính: Phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận; Đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu.

Tháng 11/2015, Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, các nguyên thủ quốc gia đã thông qua gói kế hoạch triển khai 15 hành động cụ thể của Dự án BEPS do OECD đề xuất. Đây là những hành động được đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề có thể xảy ra các hành vi BEPS như: Chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận tránh nộp thuế thông qua việc lợi dụng các ưu đãi trong các Hiệp định thuế.

Năm 2017, Việt Nam đã tham gia và là thành viên thứ 100 của BEPS. Nhằm giải quyết vấn đề kinh tế số phát triển và chuyển quá trình sản xuất kinh doanh về những nơi có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số. Trong đó: Trụ cột 1 quy định về phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số và Trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số với sự đồng thuận của 139 nước thành viên, đến nay đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên.

Việc luật hóa thuế suất tối thiểu toàn cầu được EU triển khai sớm nhất (từ đầu năm 2022), tuy nhiên Chỉ thị của Liên minh châu Âu (EU Directive) mới được thông qua vào 16/12/2022 sau khi bị trì hoãn liên tục bởi sự phản đối của Ba Lan và Hungary do sự khác biệt về điểm chính trị. Theo đó, dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2024.

Các quy tắc của thuế suất tối thiểu toàn cầu

Về nội dung thuế suất tối thiểu toàn cầu, Bộ Tài chính cho biết gồm 2 quy tắc sửa đổi nội luật kết hợp (Quy tắc GloBE) và quy tắc quyền đánh thuế của nước nguồn.

Cụ thể, quy tắc thuế suất tối thiểu (gộp thu nhập - Income Inclusion Rule - IIR) là quy tắc đánh từ trên xuống, cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ tối cao được đánh thuế công ty mẹ tối cao đối với thu nhập của công ty con chịu thuế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%.

Về quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule - UTPR), đây là quy tắc bổ trợ cho quy tắc nêu trên, áp dụng trong trường hợp công ty con chưa bị đánh thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu (ví dụ trong trường hợp quốc gia của tất cả các công ty mẹ chưa áp dụng IIR) thì các quốc gia có công ty con thuộc tập đoàn (các quốc gia này áp dụng quy tắc UTPR) có quyền thu thuế đối với công ty con ở quốc gia đó.

Bộ Tài chính lấy ví dụ: Công ty con tại Việt Nam chịu thuế suất hiệu quả là 7% (ở dưới mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%) và tất cả các quốc gia nơi có các công ty mẹ trực tiếp và gián tiếp trong Tập đoàn có sở hữu công ty con tại Việt Nam này chưa thực hiện quy tắc IIR thì nếu Việt Nam thực hiện quy tắc UTPR,  Việt Nam và các quốc gia nơi có công ty con thuộc tập đoàn thực hiện quy tắc UTPR sẽ được thu thêm số thuế được phân bổ theo quy tắc UTPR đối với công ty con tại quốc gia đó.

Còn nếu Việt Nam không thực hiện quy tắc UTPR thì các quốc gia nơi có công ty con thuộc tập đoàn thực hiện quy tắc UTPR sẽ được thu thêm số thuế được phân bổ theo quy tắc UTPR đối với công ty con tại quốc gia đó.

Tiếp đó là quy tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (The Subject to Tax Rule - STTR) cho phép quốc gia nguồn nơi phát sinh thu nhập được quyền đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu 9% đối với một số khoản thanh toán nhất định cho bên liên kết chịu thuế ở dưới mức thuế suất tối thiểu 9% này.

Các khoản thanh toán này dự kiến bao gồm: lãi tiền vay, tiền bản quyền và một số khoản thanh toán khác. Số thuế phải nộp theo nguyên tắc STTR sẽ được coi là một loại thuế được bao gồm theo quy tắc GloBE.

Ví như như Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Ai-len quy định mức thuế suất với tiền bản quyền là 5%. Trường hợp công ty Việt Nam thanh toán tiền bản quyền cho một công ty liên kết tại Ai-len, mức thuế danh nghĩa đối với thu nhập từ tiền bản quyền tại Ai-len thấp hơn mức thuế suất tối thiểu, thì Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung bằng hình thức khấu trừ tại nguồn phần chênh lệch giữa thuế suất danh nghĩa (5%) và thuế suất tối thiểu (9%), mặc dù Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Ai-len trước đó đã quy định mức thuế suất danh nghĩa đối với tiền bản quyền là 5%. Để thực hiện quy tắc này thì các nước phải ký Hiệp định đa phương nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI).