Tiếp sức doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch
Xác định “sống chung với dịch”, các doanh nghiệp đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài, tổ chức sản xuất an toàn trong nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra, bên cạnh nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp đang rất cần sự chung tay, tiếp sức của các sở, ngành, địa phương.
Không đứt gãy, gián đoạn sản xuất
Chi nhánh Công ty Cổ phần Long Sơn tại Phú Yên (KCN An Phú, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là nơi xuất hiện ca F0 ngay từ đầu dịch, khiến hoạt động sản xuất ít nhiều bị ảnh hưởng, xáo trộn. Thế nhưng, doanh nghiệp này đã cố gắng kiểm soát dịch bệnh, đồng thời duy trì sản xuất, đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.
Bà Ngô Thị Thu Huyền - Giám đốc nhà máy của Chi nhánh Công ty Cổ phần Long Sơn tại Phú Yên, cho biết: Trong thời gian dịch bệnh “tấn công” trực tiếp vào khu công nghiệp thì sản lượng chế biến của doanh nghiệp giảm khoảng 25-30%. Tuy nhiên, ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, công ty tăng cường thời gian làm việc, nâng công suất để kịp tiến độ sản xuất đề ra. Đến thời điểm này, tình hình đã ổn định. Doanh nghiệp đang tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Tương tự, Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp với một lượng lao động khá lớn (hơn 670 người), phần đông là công nhân nữ nên việc tổ chức vừa sản xuất, vừa phòng dịch gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đã phân ca làm việc, ăn uống, đi lại lệch múi giờ để tránh tập trung đông người. Do ảnh hưởng dịch bệnh, trong tháng 7, sản lượng sản phẩm sụt giảm, nhưng đến tháng 8 đã khôi phục 100% công suất. Các khó khăn về nguyên vật liệu, phụ tùng, vận chuyển hàng hóa… cũng dần được khắc phục nên hoạt động của doanh nghiệp đến nay vẫn đảm bảo.
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Phong Phú Phú Yên (Nhà máy may Phong Phú) có 24 ca nhiễm COVID-19, nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức sản xuất hợp lý nên hoạt động của nhà máy không bị gián đoạn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc công ty cho biết: Dịch bệnh gây khó khăn, nhưng cũng là cơ hội của doanh nghiệp nếu kiểm soát và phòng dịch tốt.
Bởi lẽ, so với các nhà máy cùng hệ thống ở các tỉnh thành thì hoạt động của Nhà máy may Phong Phú Phú Yên khá ổn định trong điều kiện dịch bệnh phức tạp. Sắp tới, tập đoàn dự kiến sẽ mở thêm 1 xưởng may tại Phú Yên để “chia lửa” cho các nơi khác, đồng thời tận dụng nguồn lao động về quê tránh dịch. Chúng tôi đang nhanh chóng tìm kiếm địa điểm để triển khai dự án này.
Chủ động các biện pháp phòng dịch
Theo bà Ngô Thị Thu Huyền, khi dịch bệnh mới bùng phát, rất nhiều lao động không dám đi làm vì sợ dịch. Rất may, nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của tỉnh nên có gần 90% người lao động tại nhà máy của Chi nhánh Công ty Cổ phần Long Sơn tại Phú Yên đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Nhờ vậy, người lao động yên tâm trở lại làm việc; doanh nghiệp cũng mạnh dạn triển khai các kế hoạch sản xuất để nhanh chóng hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
Tại Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Phú Yên (KCN Hòa Hiệp, TX Đông Hòa), nhờ các chính sách duy trì ổn định sản xuất trong điều kiện dịch bệnh của tỉnh, nên mặc dù bị ảnh hưởng, doanh nghiệp vẫn tiếp cận được nhiều đơn hàng mới; tiến độ sản xuất khá ổn định. Bên cạnh các biện pháp phòng dịch, hơn 90% người lao động tại xưởng đều đã sử dụng điện thoại thông minh, có cài đặt Bluezone để chủ động kiểm soát dịch bệnh. Doanh nghiệp và người lao động đã yên tâm hơn để sản xuất trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài và phức tạp.
Với quy mô hơn 2.000 lao động, hơn 2 tháng qua, Nhà máy may Phong Phú đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch như mua trang thiết bị phòng dịch, xịt khử khuẩn, kiểm tra sức khỏe, test nhanh COVID-19 cho người lao động…
Việc kiểm soát, phòng chống dịch cũng được doanh nghiệp triển khai xuyên suốt. Bên cạnh đó, nhà máy được tỉnh tạo điều kiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% công nhân; đến nay đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho gần 90% người lao động, 350 lao động được tiêm mũi 2. Cả doanh nghiệp và người lao động vững tâm vì có sự quan tâm, động viên của tỉnh.
Theo Sở Công thương tỉnh Phú Yên, đến ngày 9/9, toàn tỉnh phát hiện 85 ca F0 tại các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đạt từ 30-50% công suất thiết kế; khoảng 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Thêm vào đó là tình trạng thiếu nguyên liệu, sản phẩm tồn kho, phát sinh nhiều chi phí vận hành, chống dịch; khó khăn do sự gia tăng chi phí của các dịch vụ logicstics…
“Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, tỉnh sẽ ưu tiên 100% người lao động tại các doanh nghiệp được tiêm ngừa vắc xin, hoàn thành trong tháng 9; bố trí lịch trình xét nghiệm định kỳ, hiệu quả; hỗ trợ, quản lý trong di chuyển cho người lao động và hàng hóa. Về phía các doanh nghiệp cần kiên trì các biện pháp phòng dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành cũng như phòng chống dịch bệnh...”, ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Phú Yên nói.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: “Sống chung với dịch” là định hướng mà UBND tỉnh và mỗi doanh nghiệp đều đã xác định trong thời điểm này. Chính quyền địa phương, các sở, ngành sẽ luôn đồng hành, tiếp sức cho doanh nghiệp, người lao động. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ triển khai gặp mặt trực tuyến để cùng lắng nghe, tìm hiểu các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động; tạo điều kiện “tiếp sức”, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.