Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 29/4, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì đã ghi lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn còn tồn tại không ít rào cản đối với lực lượng kinh tế tiên phong này.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận các chính sách của Chính phủ khi đi vào thực tế còn cắt khúc, thể chế kinh tế thị trường chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình. Phải lượng hóa được những tác động của chính sách, để DN tính toán được với chi phí trong thi hành, tuân thủ chính sách...
Doanh nghiệp của chúng ta hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do vậy Thủ tướng cho biết, tinh thần của cơ quan ban hành chính sách đó là các quy định phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhận khó khăn về phía cơ quan Nhà nước, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Khơi nguồn đổi mới kinh doanh tạo những cơ chế riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập.
Trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, sắp tới đây Chính phủ sẽ tập hợp rà soát và công bố công khai những điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện này và kiên quyết loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp, nghiêm cấm ban hành những luật, Nghị định gây khó khăn cho Doanh nghiệp.
Một số kiến nghị về thuế của doanh nghiệp
Một số doanh nghiệp đại diện phát biểu cho biết , hiện nay các doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Việc nước ta đã, đang và sẽ tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được doanh nghiệp quan tâm, với băn khoăn về khả năng cạnh tranh của mình trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ đó.
Ông Vũ Đức Giang, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp dệt may đã xuất khẩu 27,4 tỷ USD, 4 tháng đầu năm 2016 xuất trên 8 tỷ USD, tăng 8% so cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành này đang đứng trước nhiều thách thức khi các DNNVV phải đóng cửa rất lớn do không cạnh tranh được.
Do vậy các cơ quan cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bên cạnh đó việc các đơn vị kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực thuế, hải quan, lao động xã hội, thực phẩm, phòng cháy chữa cháy... khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Do vậy, đề nghị các cơ quan cùng tới kiểm tra 1 lúc để DN chuẩn bị hồ sơ tài liệu một lần tránh mất thời gian cho doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện có rất nhiều bức xúc, trong đó có vấn đề gánh nặng trong tiền sử dụng đất của DN và hộ gia đình.”Tiền sử dụng đất luôn là ẩn số với các DN và hộ gia đình. Các DN tiếp tục phải trả tiền sử dụng đất sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng”. Ông Châu đề nghị cần coi đây là một sắc thuế (thuế sử dụng đất) với mức cố định là 10-15%, qua đó sẽ loại trừ được cơ chế xin cho.
Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính đang tập trung đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính đặc biệt là thuế và hải quan, ngành tài chính vừa qua đã cải cách giảm đáng kể số giờ nộp thuế, giờ thông quan hải quan.
“Những sửa đổi quy định của chúng ta vừa qua chỉ là bước đầu mà DN vẫn còn nhiều khó khăn về thuế và thông quan. Năm 2016, Bộ Tài chính sẽ cải cách mạnh hơn nữa về thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thị trường tài chính trong đó có bảo hiểm, chứng khoán. Đến hết 2020 thì vốn hoá sẽ là 70%”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ Tài chính phải phấn đấu trước năm 2020 môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đứng thứ 3 khu vực Asean, ít nhất là ở việc rút ngắn thời gian nộp thuế, hoàn thiện công tác hoàn thuế theo hướng điện tử, giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, hiện đại hoá thuế và hải quan nhất là hướng tới cơ chế hải quan một cửa quốc gia.