Tiếp tục hoàn thiện thể chế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua, đối với công tác nâng cao năng suất chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch để triển khai Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, Bộ cũng đã triển khai Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Phát huy những kết quả đạt được, để lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng đóng góp to lớn hơn vào sự phát triển của khoa học và công nghệ nói riêng, của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật/
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan phù hợp với các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Qua đó, tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới. Trong đó, đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo… theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Qua đó, đảm bảo phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là tập trung xây dựng Đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2023 đó là xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan này sẽ tập trung, ưu tiên nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Đặc biệt sẽ chú trọng tổ chức xây dựng hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ năng lực để phục vụ nhu cầu phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy việc thừa nhận lẫn nhau và đảm bảo đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước. Tăng cường hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế thông qua sự tham gia, hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc tế, khu vực và nước ngoài.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chương trình, Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng; Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc; Đề án 996 về đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo...
Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tất cả các Chương trình, Đề án này đều phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đảm bảo có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.