Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định sửa đổi về khuyến công

Trần Huyền

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công là cần thiết. Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đang tiếp tục tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về sửa đổi, bổ sung Nghị định này.

Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP tổ chức tại Ninh Bình. Ảnh: internet
Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP tổ chức tại Ninh Bình. Ảnh: internet

Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, công tác khuyến công đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại nông nghiệp, nông thôn và thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn vừa qua.

Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, các chủ trương, định hướng về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và quy định liên quan tại một số văn bản quy phạm pháp luật đã có sự điều chỉnh đáng kể.

Công nghiệp hóa hiện đại hóa công nghiệp nông thôn đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ; phân cấp quản lý giữa Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần được rà soát điều chỉnh cho phù hợp; quá trình chuyển đổi số và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế nhanh, sâu rộng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với việc xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công.

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu, đổi mới công tác khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số. Để bảo đảm cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Nghị quyết này, đồng thời khắc phục các bất cập, hạn chế, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP là cần thiết.

Theo Bộ Công Thương, Nghị định này sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đưa ra các quy định cụ thể, dễ tuân thủ, dễ thực hiện; nâng cao chất lượng và làm sâu sắc hơn hiệu quả tác động của chính sách khuyến công. Đồng thời, xác định trách nhiệm liên tục của trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ về chất lượng, bảo đảm chỉnh thể thống nhất giữa Nghị định mới và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Vừa qua, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định tại tỉnh Long An và tỉnh Ninh Bình. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định với sự tham gia của các Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ khuyến công và cơ sở công nghiệp nông thôn các tỉnh thành phố; sự tham dự của các Bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học.