Tiếp tục tăng cường phối hợp chống chuyển giá

PV.

(Tài chính) Một trong những vấn đề được dư luận đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" hôm 12/1 là cuộc chiến chuyển giá, trốn thuế trong năm 2013.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Có thể nói, chống chuyển giá, trốn thuế là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua bởi hiện nay các “chiêu” chuyển giá của các doanh nghiệp (DN) ngày càng tinh vi và khó phát hiện, trở thành thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, ngăn chặn. Chẳng hạn, qua công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, dấu hiệu chuyển giá xuất hiện trong các DN có giao dịch liên kết. Cụ thể, có phát sinh hiện tượng ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên liệu mua vào với mức giá cao, hàng hóa bán ra với đơn giá thấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Mục đích chính là ẩn lậu thuế bằng cách chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất thu nhập DN cao sang nước có thuế suất thuế thu nhập DN thấp. 

Thực tế cũng cho thấy, việc chuyển nhượng vốn thường được các bên thỏa thuận bằng "hợp đồng”, sau đó làm thủ tục liên quan để thay đổi tên các thành viên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ đây, việc mua bán thể hiện qua nhiều hình thức mà cơ quan thuế chưa thể kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ. Có DN trên hợp đồng khai với cơ quan thuế có giá bán bằng vốn, không phát sinh thu nhập, nên không phải nộp thuế.

Thậm chí, hiện nay một số DN có vốn đầu tư nước ngoài còn xin chuyển đổi thành công ty cổ phần đã định giá không xác thực tài sản, làm tăng lợi nhuận để làm cho giá trị cổ phiếu cao khi niêm yết; lợi dụng việc chuyển đổi để “tư bản hoá tài sản”, bán bớt cổ phần, thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam.

Trước những lo ngại như vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" được phát trực tiếp hôm 12/1, câu chuyện chống chuyển giá tiếp tục được dư luận đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Chia sẻ băn khoăn của dư luận, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Tôi cho rằng trong điều kiện chúng ta hội  nhập kinh tế quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, với sự khác biệt nhau về thuế và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia khác nhau, vấn đề chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Vấn đề là chúng ta tiếp cận để quản lý cho tốt, vừa thu hút đầu tư nước ngoài vừa đảm bảo sự công bằng, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều ước quốc tế."

Để hạn chế tình trạng lợi dụng chuyển giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ tháng 5/2012, Bộ Tài chính đã phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015.

Bên cạnh đó, về thể chế, có thể thấy, Bộ Tài chính đã ban hành khung pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá từ rất sớm như: Thông tư 74/1997/TT-BTC, Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT- BTC ngày 8/3/2001 hướng dẫn thực hiện một số quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và gần đây nhất là Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) được đánh giá là đầy đủ và toàn diện nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam…

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian qua, Cơ quan Thuế đã kiểm tra, phát hiện đưa vào quản lý 3.188 DN có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá cũng được từng bước xây dựng, phục vụ công tác thanh, kiểm tra. Theo đó, số lượng các DN có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thua lỗ đã giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, ngoài trách nhiệm của ngành Tài chính, trong đó các cơ quan Thuế, Hải quan thì các ngành, các cấp như Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ cũng phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đầu vào, đầu ra của đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp. Nếu làm được như thế mới có thể chống chuyển giá một cách hiệu quả, qua đó bảo đảm công bằng, minh bạch trong môi trường kinh doanh và phù hợp với thông lệ quốc tế.