Tiêu chuẩn an toàn tín dụng sẽ khắt khe hơn

Theo daibieunhandan.vn

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tiêu chuẩn an toàn được nâng cao hơn so với hiện nay, và cũng chuyên nghiệp hơn trong cách xác định hệ số rủi ro. Các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng sẽ được đánh giá xếp hạng theo những “thang điểm” mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm tín dụng đối với doanh nghiệp đã được hầu hết các ngân hàng thương mại thực hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, với dự thảo Thông tư này, “thang điểm” đánh giá tín nhiệm sẽ chặt chẽ hơn, hướng tới tiệm cận các tiêu chí đánh giá tín nhiệm của hệ thống ngân hàng thế giới (gọi tắt là tiêu chuẩn Basel).

Theo đó, cách xác định các hệ số rủi ro cũng được tiến hành chuyên nghiệp hơn bằng việc áp dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm, gắn chặt với tình trạng tài chính cụ thể của các doanh nghiệp vay vốn, kết nối thông tin về doanh nghiệp từ các cơ quan chức năng (thuế, kiểm toán, tòa án)... Đặc biệt, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm sẽ bị áp hệ số rủi ro tín dụng 300%, không nộp báo cáo tài chính sẽ bị áp 250%...

Ngân hàng Nhà nước cũng đưa vào dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng các kết quả xếp hạng tín nhiệm để đo lường hệ số rủi ro đối với những khoản phải đòi của ngân hàng thương mại. Hay nói cách khác, tỷ lệ nợ xấu sẽ trở thành một trong các tiêu chí đánh giá quan trọng để xếp hạng an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp nào trong lịch sử quan hệ ngân hàng có nhiều khoản nợ nần dây dưa, thanh toán không dứt điểm hoặc phải thường xuyên vay đảo nợ, sẽ được đưa vào những thang điểm “áp trần” về tỷ lệ rủi ro tín dụng. Để quản lý rủi ro, các tổ chức tín dụng cũng bắt buộc phải tuân thủ một bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chung, và thống nhất thứ hạng tín nhiệm do tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng được xếp hạng chi tiết theo thực trạng tài chính và kinh doanh. Trong đó, với các doanh nghiệp không phải kiểm toán báo cáo tài chính, thì ngân hàng thương mại sẽ xác định chỉ tiêu doanh thu, tỷ lệ đòn bẩy (tổng nợ vay/tổng tài sản), vốn chủ sở hữu trên cơ sở số liệu báo cáo tài chính được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế (có xác nhận của cơ quan thuế)... để tính hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi doanh nghiệp. Ở “thang điểm” này, hệ số rủi ro tín dụng thấp nhất được xác định là 20% đối với doanh nghiệp có doanh thu lớn (trên 1.500 tỷ đồng) và có tỷ lệ đòn bẩy thấp (dưới 25%).

Dự thảo Thông tư xác định các doanh nghiệp có hệ số rủi ro tín dụng từ 200 - 300% sẽ bị cảnh báo hoặc bị hạn chế khi vay vốn ngân hàng. Cụ thể, với doanh nghiệp mới thành lập chưa được một năm, thì hệ số rủi ro tín dụng ở mức 200% sẽ được đưa vào mức bị cảnh báo hoặc bị hạn chế vay vốn. Các doanh nghiệp có khoản vay được bảo đảm bằng bất động sản không có khả năng sinh lời, hoặc thông tin về tính pháp lý của tài sản còn mập mờ, thì bị áp tỷ lệ rủi ro tín dụng từ 200 - 250%.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự thảo Thông tư này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1.2.2016, và đến 1.2.2019 mới áp dụng ra toàn hệ thống. Đây là những bước đi chắc chắn và nghiêm khắc hơn của cơ quan quản lý nhà nước trong lộ trình thực hiện tiêu chuẩn an toàn tín dụng theo tiêu chí Basel 3 mà nước ta đang hướng tới.