Tìm cách giữ ổn định lãi vay
Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường sẽ biến động ra sao và ngành ngân hàng sẽ dùng biện pháp nào để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay cũng như có thể giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên là vấn đề đang được thị trường đặc biệt chú ý.
Từ cắt giảm chi phí
Xu hướng lạm phát quốc tế vẫn tiếp tục ở mức cao và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 22/9 quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%/năm đang gây nhiều áp lực cho công tác điều hành chính sách tiền tệ tại thị trường trong nước. Chưa kể Fed đồng thời dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát, chỉ số USD tăng cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây.
Ngay sau động thái điều chỉnh của Fed, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay trong ngày 22/9 cũng điều chỉnh tăng tỉ giá trung tâm thêm 15 đồng, lên mức 23.316 VND/USD. Sau 5 phiên thay đổi, tỉ giá trung tâm tăng 57 đồng và theo đó so với đầu năm, tỉ giá trung tâm tăng 171 đồng, tương đương 0,73%.
Một điều chỉnh quan trọng khác sau động thái của Fed là việc NHNN điều chỉnh một loạt mức lãi suất điều hành với mức tăng cao nhất là 1%. Trong đó lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm.
Vấn đề được quan tâm hiện nay là khi giá vốn đầu vào tăng cao, ngành ngân hàng sẽ dùng biện pháp nào để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như chỉ đạo của Chính phủ cũng như có thể giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Giải đáp cho thắc mắc này, trong thông tin phát đi ngày 23/9, NHNN khẳng định: "Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên".
Đáng chú ý, để đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất, NHNN sẽ thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai tại các ngân hàng thương mại và các địa phương. Đồng thời tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, tháo gỡ khó khăn liên quan đến triển khai hỗ trợ lãi suất.
Đến duy trì công cụ hạn mức tín dụng
Việc duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng như lâu nay cơ quan ngân hàng trung ương vẫn duy trì với các nhà băng cũng được nhìn nhận là một công cụ hữu hiệu góp phần kiểm soát lạm phát. NHNN ngày 23/9 cho hay trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, song có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
"Trong bối cảnh hiện nay việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô" - NHNN cho biết.
Theo đó, tín dụng sẽ được cơ quan ngân hàng trung ương điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thực tế đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Áp lực đè nặng tỉ giá
NHNN nhìn nhận trong quý III/2022, tỉ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine…).