Tìm cơ hội mới cho cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập
Ngày 10/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tọa đàm: “Già hoa dân số: Cơ hội dành cho các doanh nghiệp”, tại Hà Nội.
Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ “dân số bạch kim”
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phùng Quang Huy – Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng Lao động (VCCI) cho rằng: Dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên. Khuynh hướng nhân khẩu học này là một trong những thành tựu lớn lao đối với Việt Nam, liên quan tới những cải thiện đáng kể về y tế và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, già hóa dân số một cách nhanh chóng cũng tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam. Những phân tích vềcơ hội và thách thức của kinh tế, xã hội Việt Nam khi chính thức bước vào thời kỳ dân số “bạch kim” cho thấy đã đến lúc các doanh nghiệp cần phác thảo một cấu trúc kinh doanh mới, thích ứng với thời kì tương lai mà trong đó, việc điều chỉnh các chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để giảm rủi ro đồng thời tận dụng cơ hội từ vấn đềdân số già để tăng trưởng.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Bà Astrid Bant – Trưởng đại diện UNFPAtại Việt Nam cho biết: Già hóa dân số đang được đưa ra không phải giả định hay kịch bản mà là thực tiễn sẽ phải bắt buộc xử lý. Trên toàn thế giới, trong vòng 50 năm tới, người già trên 60 tuổi sẽ tăng từ 699 triệu lên gần 2 tỷ người. Đến 2020, tỷ lệ già trên toàn cầu sẽ là 1:5 (tức cứ 5 người trẻ thì có một người già phụ thuộc).
Và tỷ lệ này đến năm 2035 là 1:3. Như vậy già hóa dân số là vấn đề không riêng Việt Nam mà là của toàn cầu. Những cải thiện trong lĩnh vực y tế và đời sống đã tăng tuổi thọ con người, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cần có những cải thiện về các dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc an sinh.
“Cả nước hiện có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi, chiếm 9,4% dân số. Dự báo vào năm 2017 tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số, tức dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa”, cho biết điều này, Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia Kinh tế cho rằng: Việc nhìn nhận nhóm người già trong biến động dân số là một nguồn nhân lực lao động thay thế không phải không khai thác được.
Ưu điểm của nhóm này: Dày dạn thâm niên, có tay nghề tốt, kỹ năng ngôn ngữ, truyền đạt tốt, kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, đạo đức nghề nghiệp và ý thức lao động cao – điều mà một phần lao động trẻ Việt Nam đang thiếu. Đồng thời nhóm người “bạch kim” rất trung thành và ít nhảy việc. Tái tuyển lao động cao tuổi, lập một “khung giờ” linh động phù hợp với sức khỏe của người cao tuổi sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) Việt tránh được khủng hoảng thiếu lao động. Đây cũng là cơ hội của các DN đào tạo nhân sự lao động – một thị phần kinh doanh mà DN nên nghĩ đến trong kế hoạch 5 năm tới.
Như vậy, bài toán về năng suất lao động của người già, mở rộng là năng suất lao động trong các ngành hàng và trong nền kinh tế nói chung, rõ ràng đang cần có những “phương trình” lượng hóa đầy đủ, trên cơ sở kết hợp của cải thiện chính sách, thể chế, quy định cho người lao động. Giải được bài toán này, các DN sẽ thấy được “cơ hội trong thách thức”, để dần thay đổi tư duy về sản phẩm, nhân lực lao động cho tương lai.
Ứng phó với già hóa dân số, Việt Nam cần phải thúc đẩy tăng năng suất toàn diện để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay; tăng năng suất tài nguyên; tăng năng suất vốn; nâng cao hiệu suất sử dụng vốn. Mặt khác đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, tạo bước ngoặt quan trọng về năng suất, cải thiện nhân tố quyết định năng suất trong các ngành, phát triển mạnh ngành dịch vụ hiện đại, cải thiện kết nối thương mại quốc tế, và tăng tính linh hoạt của thị trường lao động trong đó cải cách quản trị quốc gia là khâu quyết định.
Tận dụng cơ hội tiềm tàng
Già hóa dân số là một trong những xu hướng của thế kỷ 21, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế và xã hội của các quốc gia, trong đó có cả các nước với dân số trẻ. Bên cạnh việc được coi là thành tựu của phát triển, già hóa dân số cũng tạo ra thách thức đối với kinh tế, xã hội và văn hóa ở các cấp độ các nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thách thức lớn nhất là thay đổi cơ cấu lao động, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên, và tỷ lệ gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi, cũng như nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ đặc thù. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực, các nước đã và sẽ sử dụng lao động cao tuổi và/hoặc lao động nhập cư. Các doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để giảm thiểu rủi ro đồng thời tận dụng cơ hội tiềm tàng của dân số “bạch kim’.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh – UNFPA tại Việt Nam, các ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế có “ăn” vào cơ cấu dân số vàng được mãi hay không, hay chúng ta chỉ có một thời gian ngắn để chuẩn bị đầu tư đón thời đại “bạch kim” – một thời đại không hoàn toàn lấp lánh.
Một thực tế rất gần lại đang hiện hữu: Năm 2017, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Từ già hóa, chuyển sang cơ cấu già của Việt Nam, lại có tốc độ nhanh hơn bất kì một quốc gia nào khác. Tiêu dùng, thực phẩm, y tế chính là thị trường tiềm năng bỏ ngõ cho các DN. Người già là nhóm tiêu dùng quyền năng, giàu có hơn, khỏe mạnh hơn, chịu chi hơn, có nhiều thời gian để chi tiêu và đặc biệt là ở các khoản chi tiêu cho tài sản lớn (nhà, phương tiện đi lại)..
Cũng cần lưu ý rằng ở thị trường Việt Nam hiện nay, các ngành tiêu dùng nói chung đều đang nhắm đến giới trẻ, ít quan tâm đến người già. Thị trường kinh doanh để chăm sóc người già, bao gồm y tế, giải trí, hộ lý phụng dưỡng… thực là những “ngách”kinh doanh mà DN nào đi trước, sẽ tới đích tốt hơn.
“Với bộ phận người cao tuổi khỏe mạnh, sẽ là nguồn nhân lực quý giá mà ta chưa biết cách tận dụng tri thức và kinh nghiệm của họ. Người cao tuổi từ 60 -75 tuổi có sức khỏe vẫn đóng góp nhiều cho xã hội, là kho tàng kiến thức kinh nghiệm cho thế hệ sau. Nếu được hỗ trợ một cách phù hợp thì người cao tuổi có thể tiếp tục có nhiều đóng góp cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Vì vậy cần phải phát huy vai trò người cao tuổi.
Đồng thời, xây dựng chính sách đảm bảo cuộc sống cho người cao tuổi tốt hơn, tất cả người cao tuổi cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và chăm sóc y tế; họ cần được sống khỏe mạnh và được đóng góp kỹ năng cũng như kinh nghiệm quý báu của mình”, bà Bà Vũ Mai Thu – Chủ tịch Hiệp hội Nhân sự chia sẻ.
Ngoài những chia sẻ nói trên, tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn thảo luận về việc xây dựng phương hướng kinh doanh mới, thích ứng với thời kì tương lai mà trong đó, việc điều chỉnh các chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để giảm rủi ro đồng thời tận dụng cơ hội từ vấn đềdân số già để tăng trưởng.