Hưởng ưu đãi từ VJEPA: Doanh nghiệp cần làm gì?
Là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, Nhật Bản thực sự là thị trường mà các doanh nghiệp cần chú trọng và lưu tâm, đặc biệt là các ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Song, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần đáp ứng được những yêu cầu khá khắt khe từ phía thị trường này.
Nhiều cơ hội
Theo Bộ Công Thương, Nhật Bản là thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn đứng thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong 5 năm trở lại đây, kể từ khi VJEPA có hiệu lực (ngày 01/10/2009),tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trung bình đạt mức tăng trưởng hai con số, khoảng 19%/năm.
Theo các chuyên gia đánh giá, trong thời gian tới, với những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao hơn, cùng với việc nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản có xu hướng tăng và chuyển hướng nhập khẩu nhiều loại mặt hàng từ Trung Quốc sang nhập khẩu từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á... chắc chắn hiệp định VJEPA sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu nước ta thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, như: nông, thủy sản và hàng dệt may.
Theo đó, Nhật Bản sẽ tạo thuận lợi cho hàng Việt với cam kết loại bỏ thuế quan đối với gần 94,53% kim ngạch trong vòng 10 năm. Đối với các sản phẩm công nghiệp - nhóm hàng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế bình quân từ 6,51% năm 2008 xuống 0,4% vào năm 2019. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật được hưởng thuế suất 0% (giảm từ mức bình quân 7%) ngay từ khi VJEPA có hiệu lực; sản phẩm da, giày được hưởng thuế suất 0% trong vòng 5-10 năm... (Bảng).
Song, tận dụng cơ hội không dễ
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, dù được ưu đãi về thuế, song doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội này không phải là chuyện dễ.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VJEPA của doanh nghiệp Việt mới chỉ được từ 4%-7% do yêu cầu xuất xứ khắt khe (Nguyễn Phương, 2015).
Cũng nhận định về vấn đề này, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, theo VJEPA, hàng Việt muốn hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, như: hàng dệt may, giày dép... Đây là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh vấn đề nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật cũng là “bức tường” cao với hàng Việt. Đơn cử, như: gạo Việt Nam đã từng xuất khẩu được sang Nhật, nhưng sau khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, “cánh cửa” cho gạo đã tạm thời bị đóng lại. Ngoài ra, thủy sản Việt, trong đó, đặc biệt là tôm cũng đang bị Nhật kiểm tra rất gắt gao về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, trên báo Sài Gòn Time, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, để tận dụng các cơ hội từ hội nhập, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ và chặt chẽ. Cụ thể, hàng dệt may muốn được hưởng thuế suất bằng 0% vào Nhật phải đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ của VJEPA, tức là phải sử dụng nguyên phụ liệu của Nhật hoặc của các nước ASEAN.
Đồng thời, cần nắm bắt cơ chế cấp C/O mẫu quy tắc xuất xứ, liên hệ ngay với các bộ ngành chức năng để được giải đáp những thắc mắc. Nói cách khác, để thành công trong hội nhập, không có cách nào khác doanh nghiệp phải chủ động trong việc tìm hiểu các cơ chế chính sách, cũng như tìm các đối tác phù hợp, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời.
Cũng nhận định về vấn đề trên, tại tọa đàm “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019 và cơ hội cho doanh nghiệp”, tổ chức vào ngày 21/07/2015, PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, để khai thác tốt cơ hội do VJEPA mang lại, doanh nghiệp cần thay đổi hoặc mở rộng cơ cấu hàng xuất khẩu để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là vệ sinh, an toàn thực phẩm của nông, thủy sản theo Luật Vệ sinh An toàn Thực phẩm của Nhật. Các doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận thị trường lâu dài, đặt mối quan hệ làm ăn lâu dài với khách hàng Nhật Bản.
“Tăng cường thu thập thông tin về thị trường, nhu cầu, thị hiếu, tập quán, văn hóa, đồng thời tích cực khai thác triệt để sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, cơ quan đại diện ngoại giao tại Nhật Bản để tìm những cơ hội kinh doanh”, PGS, TS. Trần Đình Thiên nói.