Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hàng chuyển phát nhanh
Ngày 12/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Thông tư 191/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh chủ trì hội nghị.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Báo cáo tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Nhất Kha cho biết, Thông tư 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1/4/2016) đã đưa việc khai báo đối với các tờ khai giá trị thấp theo phương thức điện tử làm giảm đáng kể thời gian thông quan của hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh và tạo sự phát triển đồng bộ trong việc khai báo điện tử chung của ngành hải quan.
Đồng thời, tại Thông tư 191 cũng quy định tăng trách nhiệm cho các DN chuyển phát nhanh trong việc chia nhóm hàng hóa. Vì vậy, các DN chuyển phát nhanh chủ động hơn trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan.
Mặt khác, áp dụng quản lý rủi ro vào việc phân luồng hàng hóa thuộc nhóm 2 nên giảm thiểu việc kiểm tra thực tế hàng hóa so với khi thực hiện Thông tư số 100/2010/TT-BTC kiểm tra 100% hàng hóa.
Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 191, DN chuyển phát nhanh cũng như cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những vướng mắc đã được giải quyết kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho DN chuyển phát nhanh đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng chuyển phát nhanh, một số DN đã phát sinh vướng mắc khi khai báo trên hệ thống điện tử. Tổng cục Hải quan đã có văn bản tháo gỡ cụ thể. Hướng dẫn về việc giám sát hàng hóa giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và địa điểm TECS. Hướng dẫn về hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa phải nhập khẩu tại cửa khẩu thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh.
Ngoài ra, tìm các nguyên nhân gây ra hiện tượng các tờ khai hải quan phản hồi chậm để các DN chuyển phát nhanh có thể tự kiểm tra và phòng tránh việc hệ thống thông quan chậm…
Nhiều vướng mắc phát sinh
Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội nghị, bên cạnh những ưu điểm trên, Thông tư 191 vẫn còn những quy định chưa hợp lý, những vướng mắc phát sinh trong thực tế nhưng chưa được quy định trong Thông tư.
Cụ thể, vướng mắc thực hiện khai hải quan giấy khi hệ thống phần mềm gặp sự cố. Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 191, hàng hóa chuyển phát nhanh được chia thành 3 nhóm khác nhau. Tuy nhiên, theo mẫu tờ khai hải quan khi thực hiện khai giấy tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC chỉ phù hợp với hàng hóa thuộc nhóm 3.
Đối với hàng hóa thuộc nhóm 2 của các công ty chuyển phát nhanh lớn, nếu phải thực hiện khai giấy từng gói kiện hàng thì không đảm bảo về thời gian thông quan của hàng hóa cũng như đặc thù của dịch vụ chuyển phát nhanh. Theo đó, DN kiến nghị đối với hàng hóa XNK trị giá thấp thì DN chuyển phát nhanh được phép khai giấy theo bảng kê nhằm đảm bảo thông quan hàng hóa kịp thời.
Liên quan đến vướng mắc về địa điểm kiểm tra tập trung, bà Đỗ Thu Thủy, Đại diện Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL- VNPT cho rằng, triển khai thực hiện các điều kiện của Nghị định 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ về địa điểm kiểm tra tập trung. Công ty TECS gửi công văn cho các công ty chuyển phát nhanh yêu cầu cung cấp thông tin và giám sát hàng hóa của các công ty chuyển phát nhanh.
Yêu cầu này không có cơ sở pháp lý, các công ty chuyển phát nhanh không thể cung cấp thông tin kinh doanh cho các công ty kho bãi về yêu cầu bảo mật thông tin. Trên thực tế hàng hóa của công ty chuyển phát nhanh đã được cơ quan Hải quan kiểm tra giám sát nên việc công ty kinh doanh kho bãi kiểm tra nữa thì sẽ chồng chéo. Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan thì các DN cần đưa ra các thông tin tối thiểu cung cấp cho đơn vị kinh doanh địa điểm để quản lý theo dõi hàng hóa ra vào, lưu trữ tại địa điểm kiểm tra tập trung.
Theo Quyết định 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì hàng hóa thuộc danh mục tại Quyết định này phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trong khi đó địa điểm làm thủ tục hải quan của hàng hóa gửi dịch vụ chuyển phát nhanh không phải là cửa khẩu nhập. Vì vậy, DN chuyển phát nhanh không được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nằm trong danh mục tại Quyết định số 15 này.
Để giải quyết vướng mắc trên, Bộ Tài chính đã có công văn số 9736/BTC-TCHQ ngày 21/7/2017 báo cáo về vướng mắc khi thực hiện Quyết định số 15 và ngày 12/9/2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đồng ý về nguyên tắc đề xuất của Bộ Tài chính. Ngày 29/8/2017, Tổng cục Hải quan có công văn số 5705/TCHQ-GSQL cho phép hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được làm thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư 49/2015/TT-BTC (hướng dẫn đối với hàng bưu chính) và Thông tư 191/2015/TT-BTC (hướng dẫn đối với hàng chuyển phát nhanh).
Vướng mắc khi sử dụng mã tạm để khai báo trên hệ thống sẽ thể hiện tên người XNK là “Cá nhân - Tổ chức không có mã số thuế” mà không thể hiện đúng tên người XNK dẫn đến việc không theo dõi được thông tin của cá nhân nhập khẩu, không theo dõi được việc số lần nhập khẩu miễn thuế của cá nhân.
Đối với vướng mắc này, hiện tại hệ thống đã mặc định đối với mã tạm khi khai báo nên không thể thực hiện sửa thông tin về người xuất nhập khẩu theo đúng người xuất nhập khẩu không có mã số thuế mà tờ khai nào cũng thể hiện thông tin “Cá nhân- Tổ chức không có mã số thuế”. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị doanh nghiệp chuyển phát nhanh trong quá trình khai báo ghi rõ thông tin về tên người nhận hàng (người nhập khẩu) và địa chỉ tại ô ghi chú (phần ghi chú) số thứ tự 30 phần A, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 để đảm bảo việc theo dõi, quản lý của doanh nghiệp chuyển phát nhanh cũng như của cơ quan hải quan.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Vũ Ngọc Anh thay mặt lãnh đạo Tổng cục ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN và cam kết sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng đối với những vấn đề liên quan đến tờ khai trị giá thấp, sử dụng tờ khai nào trong khi xảy ra sự cố hệ thống điện tử. Những bất hợp lý về thủ tục liên quan đến các loại hình tạm nhập tái xuất hàng chuyển phát nhanh cũng sẽ có những sửa đổi để các DN có thể thực hiện thuận lợi trong thời gian tới.
Về vấn đề địa điểm, kho bãi, theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, cơ quan Hải quan cũng cần đầy đủ thông tin quản lý rủi ro. Khi thay đổi địa điểm kinh doanh kho bãi cần đảm bảo phần mềm máy tính, hệ thống camera kết nối với cơ quan Hải quan. Các loại hình chuyển phát nhanh lớn có hệ thống quản lý rủi ro nhưng cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ với cơ quan Hải quan để đảm bảo quản lý, giám sát theo quy định, hạn chế những rủi ro phát sinh.