Tìm hiểu hoạt động nhượng quyền thương mại
(Tài chính) Theo quy định Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Hoạt động nhượng quyền thương mại cần đáp ứng được những điều kiện cụ thể sau: (1) Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh,…) cũng như khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo,… của bên nhượng quyền; (2) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Trong một hợp đồng nhượng quyền thương mại, ngoài những điều khoản cơ bản như tư cách, quyền và nghĩa vụ của các bên trong nhượng quyền, còn có những điều khoản đặc thù quy định về số lượng các bên tham gia. Hợp đồng nhượng quyền có thể gồm hai bên (bên nhượng quyền và một bên nhận quyền) hoặc nhiều bên (bên nhượng quyền và nhiều bên nhận quyền). Trong đó, hợp đồng nhượng quyền nhiều bên có thể tạo nên một mạng lưới kinh doanh.
Trong hoạt động nhượng quyền, các bên phải tuân thủ trung thành với mô hình nhượng quyền do nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại theo mô hình kinh doanh thống nhất. Điều này có nghĩa, các bên nhận quyền sử dụng mô hình kinh doanh được bên nhượng quyền chuyển giao một cách đồng bộ trên toàn hệ thống. Đồng thời, để đảm bảo được sự đồng bộ như đã nói trên, bên nhượng quyền có quyền kiểm soát việc tuân thủ trung thành mô hình nhượng quyền thương mại của các bên nhận quyền.
Bên cạnh đó, quan hệ trong nhượng quyền thương mại mang tính độc lập, khác với quan hệ chi nhánh là các bên có liên hệ mật thiết với nhau. Bên nhận quyền đồng ý giao kết một hợp đồng nhượng quyền thương mại với bên nhượng quyền để từ hoạt động nhượng quyền tạo ra lợi ích cho chính mình. Ngoài ra, các bên nhận quyền có quyền thực hiện những hoạt động khác không bị hạn chế theo hợp đồng thương mại.
Mặt khác, nhượng quyền thương mại vẫn là một hoạt động kinh doanh theo mô hình mạng lưới thống nhất. Bên nhượng quyền và bên nhận quyền thống nhất với nhau về hành động (duy trì hình ảnh và chất lượng sản phẩm đặc trưng) lẫn lợi ích (hoạt động của một bên trong nhượng quyền nếu không tốt có khả năng ảnh hưởng đến uy tín cũng như lợi ích của toàn hệ thống).
Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền thương mại có thể dẫn tới hệ quả phân chia thị trường và gây ra hạn chế cạnh tranh, do các bên nhận quyền hoạt động theo cách thức bên nhượng quyền quy định. Cụ thể, hợp đồng nhượng quyền ghi nhận sự phân chia thị trường của bên nhượng quyền về lãnh thổ, khách hàng hoặc có thể là ấn định giá bán trong một vài trường hợp.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã đề cập đến hoạt động nhượng quyền thương mại trong Luật Thương mại 2005, tuy nhiên những quy định về hoạt động này vẫn chưa chi tiết, cụ thể.