Tìm hướng giải cơn “khát” vốn vay cho hợp tác xã
Nội dung “khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng” được nông dân, hợp tác xã và lãnh đạo tỉnh quan tâm xuyên suốt trong buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hợp tác xã (HTX), nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mới đây và được lãnh đạo tỉnh tìm cách tháo gỡ.
Hợp tác xã “khát” vốn vay
Tại buổi tiếp xúc, có 26 ý kiến trực tiếp, trong đó có gần một nửa ý kiến nêu lên đều liên quan đến làm sao để HTX có thể tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, qua thời gian tổng hợp ý kiến của nông dân, HTX gửi về tổ giúp việc của tỉnh thì có đến 30/1.300 ý kiến liên quan vấn đề này. Bởi thực sự HTX, nông dân đều rất cần và khát nguồn vốn, nhưng con đường tiếp cận rất gian nan.
Ông Trương Phú Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thuận Tiến, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bày tỏ: “HTX làm lúa giống và mong muốn nâng cấp máy móc tiên tiến hơn để thực hiện công tác gieo sạ, cấy máy. Hơn nữa, HTX chưa có trạm bơm nên việc làm lúa còn khó khăn. Nhưng nguồn tài sản thế chấp của HTX không còn, vì đã vay và nguồn vốn trung hạn không được nhiều, không đủ cho mục đích đầu tư lâu dài của HTX”.
Còn HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp thì cần từ 3-5 tỷ đồng để mở rộng ao nuôi và nâng các sản phẩm của HTX lên tiêu chuẩn VietGAP. Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, thông tin: HTX đã có 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 7 sản phẩm làm từ con cá thát lát, đặc sản của tỉnh Hậu Giang. HTX đã mở rộng quy mô nuôi cá lên 6ha với 30-35 tấn cá nguyên liệu/năm, phục vụ chế biến thành 11 dòng sản phẩm các loại mà vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường.
Thị trường của HTX đa số là các thành phố lớn, siêu thị. HTX có một vài đơn hàng đi nước ngoài nên quy mô hiện tại là chưa đủ cung. Nguồn tài sản cố định thế chấp của HTX cũng đã đầu tư hết nên HTX cần thêm để xây dựng mô hình chuẩn VietGAP cho sản phẩm cá thát lát về sau. HTX hy vọng có được nguồn vốn tín chấp vay thuận lợi để tăng trưởng quy mô sản xuất.
Ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, ông Trần Văn Nho - Giám đốc HTX TMDV Danh Tiến, cũng cần nguồn tiền vay 10 tỷ đồng để thu mua lúa, vựa lúa cho nông dân khi lúa tuột giá. Ông cũng bị rào cản vì mức thẩm định vay bằng tài sản thế chấp thấp, HTX không đủ nguồn vốn để làm dịch vụ thu mua lúa. Hơn nữa, theo HTX, doanh nghiệp cũng như ngân hàng còn ngán ngại với hình thức HTX nên không mạnh dạn cung nguồn vốn.
Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi
Sự thật đã thấy rõ, một trong những rào cản lớn khiến HTX chậm mở rộng là thiếu nguồn vốn vay. Thực ra, nhiều HTX bị vướng mắc ở tài sản thế chấp, bởi rất ít HTX có trụ sở, đa số là đất thuê nên không có giá trị pháp lý. Còn nếu có vay tín chấp thì vướng đủ đường, bởi vốn và tài sản đều thế chấp ngân hàng, định giá phải trừ khấu hao tài sản nên vay không cao.
Vậy nên, nông dân, HTX rất cần những quyết định, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trong đó có đơn vị chủ chốt là ngành ngân hàng để định hướng nhiều hướng đi. Bởi theo ngành chức năng tỉnh, trong số hơn 230 HTX của toàn tỉnh thì chỉ có khoảng 46 HTX được vay vốn với số tiền gần 180 tỷ đồng. Con số vốn vay này tuy được đánh giá là cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ chiếm khoảng 20% số lượng HTX đang hoạt động hiện tại trên cả tỉnh.
Thời gian qua, từ tỉnh đến địa phương đã có nhiều hoạt động tiếp sức cho HTX như: tổ chức nhiều buổi đối thoại với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các HTX cùng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục. Ngân sách tỉnh đã dành riêng 20 tỷ đồng cho nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ HTX, giảm lãi suất từ 6,6% xuống còn 5,13%/năm; hạn mức cho vay tối đa được nâng lên 1 tỷ đồng/dự án. Nhưng nhìn chung, số tiền vay chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của HTX. Các HTX cần từ trên 1 tỷ đồng - 5 tỷ đồng, bởi nếu quy mô hoạt động bình thường đã là 1 tỷ đồng, nếu mở rộng thì phải cần ít nhất gấp đôi, gấp ba lần so với số vốn điều lệ.
Đưa ra ý kiến tại buổi tiếp xúc với nông dân, HTX, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, ông Hồ La Thành cho biết phía ngân hàng biết nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh là cần thiết, cấp thiết, ngành ngân hàng cũng rất muốn chia sẻ với HTX. Ông khẳng định rằng, HTX cần nguồn vốn bao nhiêu thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ HTX vay vốn, nhưng với điều kiện HTX phải tạo được lòng tin, thuyết phục đối với phía ngân hàng bằng phương án sản xuất kinh doanh thật, có khả thi.
Như vậy, mấu chốt vẫn là niềm tin. Đây cũng là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành tại cuộc tiếp xúc, đối thoại với nông dân sản xuất giỏi, HTX. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các HTX nếu muốn tạo được niềm tin thì bản thân HTX phải thiết lập cơ chế mới, nâng cao năng lực quản trị HTX. Ông còn chỉ đạo ngành ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng, cùng chính quyền cấp xã các địa phương hãy là cầu nối, là đơn vị xác nhận vay vốn để vừa tạo niềm tin với ngân hàng, vừa là đơn vị quản lý, giám sát HTX hoạt động.
Các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cùng làm việc với nhau, nghiên cứu đề xuất tỉnh ban hành nghị quyết, giao cho Thường trực UBND cấp xã xác nhận danh sách vay vốn để các HTX sớm tiếp cận vốn vay, mở rộng quy mô sản xuất, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ có hàng ngàn tỷ đồng đến được với HTX.
Có thể nhận thấy, qua buổi tiếp xúc, đối thoại, các ý kiến của nông dân, HTX đã nhận được câu trả lời thỏa đáng, điểm nghẽn cơ bản bước đầu được khơi thông, người nông dân nhẹ lòng và nguyện gắn bó và cố gắng hơn vì sự phát triển chung của lĩnh vực kinh tế tập thể tỉnh. Nhà nước cũng thực hiện được nhiệm vụ, vai trò quản lý, chăm lo cho dân. Sự hỗ trợ này sẽ là bước tiến giúp cho HTX chuyển mình về chất và lượng.