Tìm "vịnh tránh bão"' trong mùa dịch Covid-19

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ngừng lao dốc, nhiều nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ "cháy tài khoản" thì việc lựa chọn cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao đang được xem là một chiến lược hợp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong năm 2019, có tới 1.142 lần doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Tất nhiên, đây không phải là cổ tức của riêng năm 2019 mà có doanh nghiệp còn trả cho năm 2017 và đa phần là của năm 2018.

Có tới 37 doanh nghiệp có tổng mức chi tiền trả cổ tức trong năm 2019 với tỷ lệ từ 50% trở lên. Trong đó có 9 doanh nghiệp có tổng mức chi trả cổ tức trong năm 2019 từ 100% trở lên, tức 10.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.

Niềm tin vào cổ tức

Ngày 30/3 vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) đã thực hiện việc chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, thời gian chi trả là ngày 27/4.

Phần cổ tức còn lại với tỷ lệ 10% sẽ được thực hiện sau thời điểm kết thúc Đại hội đồng cổ đông thường niên. Petrolimex là doanh nghiệp duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt cao cho các cổ đông. Năm 2018, tỷ lệ chi trả là 26%, 2 năm trước đó lần lượt là 30% và 32,24%.

Hiện, PLX đang được đánh giá là mã cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao nhất trong nhóm VN30. Tính theo vùng giá 39.000 đồng/cp như hiện nay, tỷ suất cổ tức bằng tiền của Petrolimex đạt gần 7,7%.

Tương tự, cổ phiếu CTD của Coteccons cũng có thể là một lựa chọn của nhà đầu tư với tỷ suất cổ tức bằng tiền ở mức 5,48%; hoặc REE của Cơ Điện Lạnh với 5,35%. Năm 2019, 2 doanh nghiệp này dự kiến trả cổ tức lần lượt tỷ lệ 30% và 16% bằng tiền mặt và có thể tiếp tục duy trì con số này trong năm  2020.

Một số doanh nghiệp khác chia cổ tức cao trong nhóm VN30 có thể điểm tên như Vinamilk (mã: VNM) cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền; PV GAS (mã: GAS) cổ tức tỷ lệ 30%, FPT (mã: FPT) tỷ lệ 20%...

Bên cạnh nhóm VN30, một số cổ phiếu hiện đang niêm yết trên sàn cũng có tỷ lệ cổ tức hấp dẫn như TVT (Tổng công ty Việt Thắng - CTCP), SJD (CTCP Thuỷ điện Cần Dơn), NCT (CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên)...

Theo đó, với Tổng công ty Việt Thắng sau khi hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2019, doanh nghiệp đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 25%. Với thị giá cổ phiếu hiện ở mức 22.600 đồng/cp, nếu nhà đầu tư mua TVT tại thời điểm này sẽ có tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt 11%.

Tương tự, SJD cũng có tỷ suất cổ tức lên đến 14,9%; NTC có tỷ suất cổ tức trên thị giá được duy trì trên 10%/năm.

Một số cổ phiếu khác thuộc “họ Becamex” như BCE của CTCP Xây dựng và giao thông Bình Dương (Becamex BCE), hay UDJ của CTCP Phát triển đô thị (Becamex UDJ) cũng đáng được xem xét nếu nhà đầu tư ưa thích đầu tư hưởng cổ tức.

Cụ thể, Becamex BCE chi trả cổ tức từ 700-1.000 đồng/cp trong năm 2017-2019, tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt trên 10%/năm. Với Becamex UDJ, cổ tức tiền mặt từ 1.000-1.200 đồng/cp, tương ứng tỷ suất trên thị giá từ 15-20%/năm.

Doanh nghiệp trả cổ tức cao là điều cổ đông nào cũng mong đợi (Ảnh: Internet)
Doanh nghiệp trả cổ tức cao là điều cổ đông nào cũng mong đợi (Ảnh: Internet)

 

Có cần thận trọng?

Thực tế, những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cao thường phải thuộc nhóm ngành có kết quả kinh doanh, nền tảng tài chính, dòng tiền tốt và chưa có kế hoạch đầu tư lớn, nhu cầu đầu tư chủ yếu là thay thế hoặc mở rộng ở quy mô vừa phải.

Tuy nhiên, chính việc không có hoạt động đầu tư mới dẫn đến việc hạn chế về khả năng tăng trưởng trong tương lai. Do đó, các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức bằng tiền cao thường là loại khó tăng trưởng về thị giá trong dài hạn.

Ngoài ra, một rủi ro khác với chiến lược mua cổ phiếu có cổ tức cao là nếu lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt, việc hạn chế đầu tư mở rộng có thể khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ lợi nhuận chuyển từ bão hòa sang suy giảm, dòng cổ tức vì thế sẽ giảm xuống trong tương lai.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu nhà đầu tư chỉ mua cổ phiếu dựa vào tỷ suất cổ tức cao rất có thể dẫn đến quyết định sai lầm. Thống kê của một chuyên gia cho thấy, trong đầu năm 2019, nhà đầu tư mua 10 cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao nhất năm 2018 thì có 6 cổ phiếu tăng vượt thành tích Vn-Index năm 2019 (7,67%), 1 cổ phiếu tăng nhẹ 0,15%, còn lại giảm giá (giá sau khi đã điều chỉnh, tính luôn cổ tức).

Nhà đầu tư mua 20 cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao nhất năm 2018 thì có 9 cổ phiếu tăng vượt thành tích Vn-Index 2019, số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều hơn.

Theo đó, khi "săn" cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao, nhà đầu tư cũng cần lưu ý phân tích thông tin doanh nghiệp để lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có chính sách cổ tức rõ ràng và ổn định qua nhiều năm; chú ý xem doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận hay không, tình hình vay nợ như thế nào, khối lượng giao dịch nhiều hay ít...

Bởi thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp bất ngờ trả cổ tức đột biến trong một kỳ hay một năm nhưng không duy trì được trong các kỳ sau.

Điển hình như năm 2015, CTCP tập đoàn KiDo (mã: KDC) chi cổ tức tiền mặt lên đến 200% mệnh giá nhờ nguồn tiền và lợi nhuận bán cổ phần tại nhà máy Bình Dương. Tuy nhiên, việc trả cổ tức cao đã không được Kido duy trì trong năm tiếp theo.