Tín dụng ngành Ngân hàng góp phần phát triển kinh tế biển


Bài viết điểm lại các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng, góp phần hỗ trợ phát triển đồng bộ, bền vững các ngành kinh tế biển của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh việc đưa ra các quan điểm, chủ trương về vấn đề đảm bảo quốc phòng, an ninh, chính trị, xã hội và môi trường biển, đảo; Nghị quyết đã đề ra chủ trương lớn, đột phá về phát triển các ngành kinh tế biển, theo đó đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển cơ bản được giữ vững; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện; việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện; đặc biệt kinh tế biển, các vùng biển, ven biển ngày càng mở rộng và trở thành động lực phát triển đất nước.

Xác định được tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển, thời gian qua, NHNN với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; điều hành tín dụng phù hợp, đạt mức tăng trưởng tích cực, tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, phát triển các kinh tế biển, đảo nói riêng.

Đồng thời, các TCTD cũng tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng góp phần hỗ trợ phát triển đồng bộ, bền vững các ngành kinh tế biển theo mục tiêu tại Nghị quyết 36-NQ/TW, cụ thể:

Thứ nhất, không ngừng hoàn thiện, đề xuất tham mưu ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản.

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó được thay thế bởi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, với nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện về vốn vay cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản như:

(i) Chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; (ii) Chính sách cho vay khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết trong nông nghiệp; (iii) Chính sách xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng (thông qua các cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ,…).

Đến cuối tháng 5/2021, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5% so với năm 2020, chiếm 24,8% tổng dư nợ nền kinh tế.​

Trong đó, tín dụng cho vay đối với lĩnh vực thủy sản (bao gồm khai thác nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ và chế biến, bảo quản) đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% với gần 534 nghìn khách hàng còn dư nợ; kết quả này đã góp phần không nhỏ giúp tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khai thác biển đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 1,5% với kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với 5 tháng đầu năm 2020.

Thứ hai, tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Có thể kể đến:

(i) Chính sách cho vay đóng mới nâng cấp tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo đó, từ năm 2014 đến thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu (ngày 31/12/2017) theo quy định, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và ngư dân đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp gần 1.200 con tàu (tại 27/28 tỉnh, thành phố ven biển), với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng; đến nay, dư nợ của chương trình còn hơn 8.000 tỷ đồng với gần 1.000 tàu còn dư nợ.

Thông qua chương trình, đã hỗ trợ tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá hiện đại, vươn khơi bám biển, phát triển đội tàu và mở rộng kinh tế hàng hải.

(ii) Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Nghị quyết số 68/2013/QĐ-TTg; theo đó, cho vay (có hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) đối với các dự án đầu tư máy, thiết bị, dây chuyền nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp trong đó có các loại máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông; sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy...), các loại máy kéo, động cơ Diezen sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản.

(iii) Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ, theo đó, NHNN đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường đối với các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thứ ba, quan tâm đầu tư, cho vay các dự án phát triển du lịch biển, khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản biển, xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Đến nay, dư nợ tín dụng phục vụ ngành khai khoáng đạt gần 77.000 tỷ đồng.

Trong đó, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (chủ yến trên biển) đạt gần 13.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với ngành du lịch trong đó có du lịch biển đạt hơn 200.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng đầu tư không chỉ giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch và tài nguyên khoáng sản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển mà còn tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống cho các công nhân, người dân khu vực ven biển và hải đảo.

Thứ tư, chú trọng triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, khuyến khích các TCTD cho vay các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, góp phần hỗ trợ thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, cũng như công tác bảo vệ môi trường biển, tiết kiệm, tái tạo tài nguyên biển đã nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Đến nay, đã có 37 TCTD cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh với dư nợ đạt gần 335.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 37% đạt gần 124.000 tỷ đồng.

Thứ năm, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách với đối tượng cho vay gồm người dân sinh sống khu vực ven biển, hải đảo góp phần tạo điều kiện cho người dân khu vực này có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam.

Để góp phần thực hiện mục tiêu và tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế cũng như khu vực về biển, đại dương, đặc biệt để phát triển kinh tế biển bền vững và đưa kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tế, góp phần ổn định lạm phát và tạo nền tảng vĩ mô vững chắc để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư vào các ngành kinh tế biển.

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với các lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới theo đúng chủ trương, mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Bên cạnh đó, trước tình hình khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, tình hình dịch COVID-19 còn có nhiều diễn biến phức tạp, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, trong đó có các khách hàng sản xuất, kinh doanh trong các ngành kinh tế biển.

* Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh.

** Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2021.