Tín dụng phục hồi trở lại trong tháng 8/2024

Tuấn Thủy

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng tới 26/8 đã tích cực trở lại sau khi sụt giảm trong tháng 7/2024.
Tăng trưởng tín dụng tới 26/8 đã tích cực trở lại sau khi sụt giảm trong tháng 7/2024.

Theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt 6,1% so với cuối năm 2023 và tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 giảm trở lại, chỉ tăng 5,7% so với cuối năm trước và tăng 15,0% so với cùng kỳ. Theo số liệu mới công bố, tín dụng tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023.

Diễn biến tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2024 có phần tương tự năm trước, tuy nhiên, xét về quy mô, tốc độ mở rộng tín dụng năm 2024 mạnh hơn đáng kể so với năm 2023, khi tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tín dụng chỉ tăng trưởng 5,6% so với cuối năm trước.

Trước đó, thống kê của NHNN tại cuối tháng 7 ghi nhận, dòng tiền ra nền kinh tế sụt giảm, tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%; tín dụng bất động sản tăng 4,6% so với cuối năm 2023 (trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, nhưng tín dụng cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ, tăng 1,2%)...

Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng tháng 7 giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước đó. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tín dụng tháng 7 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, sau đợt tăng tốc “đổ tiền” mạnh của những ngày cuối tháng 6, tín dụng phải có quãng hấp thụ dòng tiền phù hợp do đó đây cũng là lý do khiến tín dụng có quãng chậm lại. Và điều đó cũng đồng nghĩa khi tín dụng tháng 8 đã tăng lên, tức nhu cầu hấp thụ vốn của các thành phần trong nền kinh tế đã phục hồi mạnh lên.

Theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng phải có giải pháp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng không sử dụng hết hạn mức tín dụng sẽ phải thu hồi và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Chủ trương này cũng là động lực/điều kiện cho các tổ chức tín dụng phải tìm ra hướng thúc đẩy vốn, cải thiện, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 12 – 13%. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ: Hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm – có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; Thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.

Xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tiếp diễn trong tháng 8/2024. Ở khối NHTMCP Nhà nước, nổi bật có Agribank điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống thêm 20-30 điểm cơ bản, trong khi đó, lãi suất huy động của các NHTMCP Nhà nước còn lại giữ nguyên.

Trong khi đó, xu hướng lãi suất huy động ở khối NHTMCP tư nhân có sự phân hoá, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ít hơn so với tháng trước trong khi có một vài ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng qua.

Tính đến ngày 29/08/2024, lãi suất huy động bình quân của 35 ngân hàng được khảo sát đã tăng khoảng 57-76 điểm cơ bản so với mức thấp nhất vào cuối quý I/2024 và trở về sát mặt bằng lãi suất cuối năm 2023. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân cao hơn 18 điểm cơ bản so với cuối năm ngoái, mức thấp nhất là 3,7%/năm (SCB) và mức cao nhất là 6,0%/năm (ABBank).