Tín dụng tiêu dùng: Cần có khung pháp lý để bảo vệ cả người đi vay và bên cho vay
Chiếm tỷ trọng không nhỏ trong đóng góp vào GDP, tài chính tiêu dùng là một trong những động lực để tăng trưởng. Tuy nhiên, cơ chế cho vay và thu hồi nợ liên quan đến tín dụng tiêu dùng chưa đầy đủ, rõ ràng đang khiến thị trường này bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tại toạ đàm "Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật" tổ chức ngày 20/4, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại các quy định về đòi nợ để đảm bảo quy định pháp luật bảo vệ người đi vay, song cũng bảo vệ cả bên cho vay.
Khó thu hồi nợ
Ông Ngô Xuân Duy - Giám đốc Pháp chế, Công ty Mua bán nợ Việt Nam quốc tế cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang thiếu khung pháp lý. Các Thông tư 43, Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh trực tiếp tới các công ty tài chính tín dụng, còn các công ty mua bán nợ thì chưa có.
“Chúng tôi kiến nghị, cần có khung pháp lý rõ ràng hơn, có thể điều chỉnh các công ty mua bán nợ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ví dụ, chúng tôi khá phân vân việc gọi điện thoại nhắc nợ như thế nào là đúng? Chúng tôi cũng khởi kiện tại tòa án đối với khách hàng chây ỳ trả nợ, nhưng trong quá trình làm việc cũng khó khăn. Vì góc nhìn của cơ quan tố tụng chưa có cái nhìn có thiện cảm đối với phân khúc này, các công ty mua bán nợ phải giải trình khá nhiều dù họ khởi kiện theo đúng quy định”, ông Duy nói.
Cũng theo doanh nghiệp này, hiện nay, một số khách hàng dùng giấy tờ giả để vay, hành vi này có thể vi phạm về lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, cần cả ý thức trách nhiệm của khách hàng trong quá trình vay nhằm giúp thị trường minh bạch, rõ ràng hơn, và hạn chế thấp nhất hành vi lừa đảo. Vì vậy, bên cạnh giám sát tín dụng đen, cơ quan quản lý cũng cần giám sát người vay có trách nhiệm. Cần minh bạch, rõ ràng từ hai phía để thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển.
Không chỉ công ty mua bán nợ khó hoạt động vì hành lang pháp lý chưa rõ ràng, ngay cả các công ty tài chính tiêu dùng đã được cấp phép hoạt động và có nhiều văn bản pháp lý điều chỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính, song lại không đưa ra kết luận khiến nhiều công ty hoang mang.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vừa nhận được báo cáo của 10/12 hội viên. Đa phần các hội viên đã thực hiện và tuân thủ khá đúng về lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, có tới 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, song hiện chưa có kết luận.
Việc bị “đánh đồng” với tín dụng đen khiến nhiều công ty tài chính gặp khó khăn. Trong khi đó, hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý I/2023 của các công ty này tăng trưởng rất thấp. Thậm chí, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ.
Theo phản ánh của ông Minh, đang có hiện tượng nghỉ việc nhiều ở các công ty tài chính do rủi ro nghề nghiệp, định kiến xã hội. Do khách hàng vay tiêu dùng dưới chuẩn, chây ỳ trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại. “Cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn, người dân có niềm tin hơn. Bên cạnh đó, các công ty tài chính phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ”, ông Minh đề nghị.
Cần lãi vay hợp lý cho người yếu thế
Bên cạnh đề xuất cần có khung pháp lý cho việc đòi nợ, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải thiết lập mức lãi suất cho vay phù hợp hơn với công nhân, đối tượng yếu thế.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất tín dụng tiêu dùng dù thuộc tổ chức tín dụng chính thức hay kênh không chính thức đều rất cao. Việt Nam có quy định, lãi suất trên 20% được xem là lãi suất không hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế không ai bị truy tố vì cho vay lãi suất cao hơn 20%. Luật thì có nhưng việc áp dụng luật chưa chặt chẽ, vì vậy lãi suất tín dụng có thể lên tới 20%-30%; các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tính lãi cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài trăm %”.
Chưa kể, rất nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi và phí cộng lại rất cao. Có loại lãi suất niêm yết trên giấy tờ, có loại lãi suất cộng thêm tất cả các loại phí là lãi suất thật, có thể lên đến vài trăm %. “Đâu đó vẫn còn hiện tượng đi vay còn kèm theo hợp đồng bảo hiểm. Có những ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm không gắn liền với tín dụng. Thậm chí, tiệm cầm đồ cũng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm”, ông Hiếu nêu vấn đề.
Dưới góc nhìn của Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, vấn đề lãi suất hiện nay được quy định tại Điều 468 của Bộ Luật Hình sự là 20%/năm, nhưng phương thức tính lãi suất mới quan trọng. Lãi suất 20% nhưng tính phí theo thực tế thì phải tính theo dư nợ giảm dần chứ không phải dư nợ ban đầu.
Về lãi suất vay, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương đề xuất: “Các tổ chức tín dụng nên có khảo sát các đối tượng công nhân và thiết kế lãi suất phù hợp hơn. Hiện nay công nhân lao động thu nhập thấp đang phải trả lãi suất cao, dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng”.