Tín dụng tiêu dùng: Cẩn trọng với rủi ro
Nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân Việt Nam đang ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Tiềm năng lớn, song rủi ro đối với hoạt động cho vay tài chính, tiêu dùng nhỏ lẻ cũng không dễ kiểm soát.
Tiềm năng lớn
Dù so với các nước châu Á khác, người Việt Nam vẫn còn rất ngần ngại trong việc đi vay tiền mua hàng hóa, tuy nhiên, thói quen này đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Mức này vẫn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, nên dư địa để phát triển mảng cho vay tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người ở Việt Nam là khách hàng tiềm năng với sự thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập.
Gần đây rất nhiều ngân hàng đang có kế hoạch lập công ty tài chính riêng của mình để "tấn công" lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân thông qua hình thức như thành lập mới hoặc mua và cơ cấu lại các công ty tài chính đã có mặt trên thị trường. Một loạt những động thái này để đón đầu Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, với phạm vi điều chỉnh các khoản vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng… buộc ngân hàng thương mại phải thành lập công ty tài chính. Các ngân hàng lớn, như: Vietcombank, VietinBank, ACB, OCB đã có kế hoạch thành lập công ty tài chính. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Techcombank mua lại Công ty cổ phần Tài chính hóa chất Việt Nam và ngân hàng Hàng Hải mua lại Công ty Tài chính dệt may Việt Nam.
Đồng thời, nhiều ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm cho vay khá hấp dẫn, trong đó nổi bật trong thời gian vừa qua là sự phối hợp giữa nhà cung cấp sản phẩm và nhà cung cấp tài chính.
Đặc biệt, nếu như trước đây cho vay tiêu dùng tập trung vào những sản phẩm có giá trị nhỏ, như: xe máy, ti vi, tủ lạnh… thì gần đây không ít ngân hàng quảng bá rầm rộ cho vay mua “xế hộp”.
Mặc dù lãi suất cho vay cao, nhưng hiện ngân hàng cũng hạn chế đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bởi nhận thức được rằng rủi ro từ tín dụng tiêu dùng cao, trong khi các khoản vay thường nhỏ lẻ. Vì thế, để khuyến khích khách hàng tiêu dùng, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, với hạn mức lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo mức thu nhập của khách hàng. Qua đó, ngân hàng vừa phát triển được dịch vụ thẻ, vừa kích thích được tín dụng tiêu dùng qua thẻ lãi suất cao.
Được biết, lãi suất tiêu dùng qua thẻ tín dụng (tính lãi sau 45 ngày miễn lãi) của các ngân hàng thương mại hiện nay vào khoảng 35%-40%/năm (đối với cả ngân hàng trong nước và nước ngoài), chưa bao gồm phí. Do đó, với chủ thẻ tín dụng, khi có nhu cầu mua sắm, chi tiêu và thanh toán qua thẻ, cần nắm kỹ thông tin, thông báo của ngân hàng để thanh toán đúng hạn, tránh chậm trễ phải chịu mức lãi suất cao. Đặc biệt, khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng nên hạn chế rút tiền mặt qua thẻ, bởi mức phí rút tiền qua thẻ tín dụng lên tới 80.000 đồng/lần.
Song, rủi ro cũng nhiều
Trên thực tế, với khoản vay nhỏ lẻ, so với các loại hình tín dụng thông thường khác, vốn tín dụng tiêu dùng triển khai khá dễ dàng, trở thành khe hở cho các đối tượng bất chính lợi dụng, chiếm đoạt vốn.
Hiện nay, nhiều công ty tài chính chấp nhận cho khách hàng cá nhân dễ dàng được tiếp cận khoản vay tín chấp trong vòng 10 -15 phút, chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc KT3 photo không cần chứng thực. Đơn cử Prudential Finance tạo ra nhiều cơ hội cho người vay hơn vì chỉ cần chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hộ khẩu, sao kê lương 3 - 6 tháng. Khách hàng chỉ cần thu nhập 4 triệu đồng trở lên đã được vay 6 - 10 lần lương. Còn nếu thu nhập từ 15 triệu đồng, hạn mức tín chấp lên tới 400 triệu đồng. Lãi suất dao động theo lương 1,2 - 1,6%/tháng trên dư nợ ban đầu, thời gian vay 12 - 48 tháng. Còn tính trên dư nợ giảm dần thì lãi suất 1,9 - 2,46%/năm.
Lãnh đạo một ở chi nhánh Vũng Tàu cho biết, ngân hàng đã gặp vài rắc rối khi cho vay tiêu dùng mua ô tô. Theo nguyên tắc, khi cho vay tiêu dùng mua ô tô, khách hàng chỉ thế chấp giấy tờ xe gốc. Thế nhưng, nhiều khách hàng làm ăn thua lỗ, đã tìm cách báo mất giấy tờ xe ô tô để được cấp giấy tờ xe mới, rồi từ đó bán tháo ô tô khiến ngân hàng mất trắng tiền, nếu kiện cáo cũng theo “hầu” rất lâu, mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc (Hải Yên, 2015).
Ngay cả bản thân khách hàng vay tín chấp cũng dễ gặp rủi ro nếu không đọc kỹ hợp đồng vay vốn.Một số ngân hàng còn đưa ra gói lãi suất ưu đãi 0%/năm trong tháng đầu giải ngân, với kỳ vọng thu hút khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, tuy nhiên, lãi suất những tháng sau ở mức cao 15%-17%/năm. Đáng chú ý, có những ngân hàng, nhất là ngân hàng nước ngoài tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, thay vì dư nợ giảm dần, nên tổng lãi vay thực trả mà khách hàng phải trả cho nhà băng gấp đôi lãi danh nghĩa.
Tuy nhiên, lãi suất tiêu dùng qua thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành chưa phải là mức cao nhất, vì so với các công ty tài chính đang đẩy mạnh việc triển khai tín dụng tiêu dùng hiện nay, thì lãi suất áp dụng còn gấp đôi, thậm chí gấp ba. Các lời mời được đưa ra từ các công ty tài chính vay tiêu dùng rất dễ dãi, nhưng lãi suất thường lên đến 40%-60%/năm. Nhiều khách hàng chỉ đến khi bắt đầu kỳ trả nợ đầu tiên cho các công ty tài chính mới “tá hỏa”, bởi lãi suất cho vay cao ngất ngưởng.
Cần hết sức thận trọng
Mới đây (ngày 08/07/2015), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cho một số ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khi mà chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được tăng lên, ngoài đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thì các ngân hàng cũng có thêm cơ hội mở hơn với cho vay tiêu dùng những tháng còn lại của năm. Thị trường chắc chắn sẽ sớm xuất hiện những sản phẩm cho vay tiêu dùng mới, hợp tác phát triển sản phẩm này cũng sẽ ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản phẩm và sự cạnh tranh có lẽ cũng ngày càng cao hơn…
Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra khuyến nghị, ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh và có tỷ lệ tăng trưởng đều đặn mỗi năm, thậm chí, ngay cả tại thời điểm nền kinh tế chưa hết khó khăn như hiện nay. Vì thế, khi tình hình kinh tế tốt lên, khả năng tỷ lệ tăng trưởng sẽ gia tăng ấn tượng, vấn đề quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu là hết sức quan trọng. Việc kiểm soát nợ xấu luôn nhờ vào cơ chế quản trị rủi ro chặt chẽ. Do đó, công ty tài chính, ngân hàng phải đầu tư đúng chỗ, phát triển bền vững tín dụng tiêu dùng, thay vì chấp nhận rủi ro, khó kiểm soát vốn, dẫn đến gây nguy hại cho sự phát triển của Ngành (Thùy Vinh, 2015).
Không thể phủ nhận tín dụng tiêu dùng tín chấp đang được các công ty tài chính và ngân hàng đẩy mạnh là phương tiện hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng. Nhưng nếu chạy đua giành thị phần, mà không kiểm soát được rủi ro, sẽ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” tín dụng tài chính cá nhân, khi nợ xấu trong hoạt động cho vay ngày một gia tăng.