Tín hiệu tốt từ giảm lãi huy động?
Việc thay đổi lãi suất huy động của các ngân hàng có thể xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau. Tuy nhiên, về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay luôn có xu hướng tăng.
Từ cuối tuần trước, một số ngân hàng có động thái giảm nhẹ lãi suất huy động được nhận định là tín hiệu tốt, kéo theo các ngân hàng khác hạ lãi suất giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào, từ đó lãi suất cho vay cuối năm cũng "hạ nhiệt".
Lãi suất tiền gửi giảm nhẹ
Động thái tăng lãi suất huy động được điều chỉnh lần lượt ở các ngân hàng trong khoảng hai tháng qua khiến nhiều ý kiến nhận định đã trở thành xu hướng và thị trường không còn mong chờ vào lãi suất cho vay sẽ giảm.
Tuy nhiên, từ cuối tuần qua, một số ngân hàng bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,1 – 0,2 điểm phần trăm, đưa lãi suất trở về với thời điểm trước đó.
Cụ thể, trong biểu lãi suất huy động được điều chỉnh vào ngày 19/9 của VPBank, một số kỳ hạn đã được điều chỉnh giảm. Theo đó, khách hàng gửi kỳ hạn 6–11 tháng chỉ được hưởng lãi cuối kỳ là 6,6% thay vì mức 6,7% như trước đó. Riêng kỳ hạn 18 – 36 tháng, VPBank cũng giảm 0,2% xuống 7,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này.
Trong khi đó, OCB đã hạ lãi suất ở một số kỳ hạn: 1 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống còn 5,3%/năm; 6 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 6,8%/năm…
Một số ngân hàng vẫn giữ nguyên kỳ hạn ngắn, nhưng lại giảm lãi suất ở kỳ hạn dài như Techcombank điều chỉnh kỳ hạn 15 – 36 tháng giảm 0,1 – 0,2% so với trước đó về mức 6,6%/năm.
Lãnh đạo của các ngân hàng này cho biết, lý do điều chỉnh lãi suất là vì cơ cấu lại các kỳ hạn huy động, theo đó khuyến khích khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài hơn.
Tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại khác cho rằng việc các ngân hàng điều chỉnh tăng/ giảm lãi suất đầu vào nằm trong kế hoạch cân đối lại thanh khoản. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh đồng bộ đối với cơ cấu huy động vốn, tuy nhiên điều này không phải là xu thế dài hạn hoặc cả năm, mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động VND hiện vẫn được giữ nguyên so với tháng trước, phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng giảm
Giới chuyên gia đánh giá, về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay tăng khá rõ, cùng với đó các kênh khác như vàng, bất động sản đã và đang trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, một số ngân hàng đang đẩy mạnh kinh doanh mảng dịch vụ thay vì tín dụng do cạn room tín dụng, nên nhu cầu huy động vốn so với mọi năm có thể bị giảm.
Thực tế, đến hết tháng 6/2018, ngoại trừ Techcombank có mức tăng trưởng tín dụng 3,3%, hầu hết các ngân hàng khác đã gần cạn room. Trong đó, VPBank đạt 8,7%, OCB đạt 9,6%…, gần tiệm cận với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm mà NHNN cho phép là 12 – 14%.
Như vậy, khó tìm đầu ra cho tín dụng, các ngân hàng buộc phải tìm những giải pháp khác để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận trong năm nay như chuyển hướng sang các lĩnh vực dịch vụ.
Ngoài ra, các ngân hàng phải tiết giảm các chi phí, việc giảm lãi suất huy động cũng là một giải pháp hợp lý trong thời điểm này.
Không chỉ giảm lãi suất trên thị trường dân cư, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng hạ khá mạnh những ngày qua.
Thống kê của NHNN về thông tin hoạt động ngân hàng trong tuần từ ngày 17 – 21/9, lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt.
Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 1,98%/năm, 1,87%/năm và 1,17%/ năm xuống mức 2,49%/ năm, 2,73%/năm và 3,50%/năm.
Trong đó, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (50% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (28%). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 61% và 20%.
Chính sách điều hành linh hoạt hiện nay của NHNN đã góp phần ổn định kinh tế, lạm phát được giữ ở mức dưới 4%. Do đó, các chuyên gia đánh giá cơ hội để giảm lãi suất huy động vẫn còn, đặc biệt với các doanh nghiệp minh bạch về tài chính, có kế hoạch kinh doanh tốt, các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ có cơ hội vay vốn ưu đãi.