Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2018

Theo Tổng cục Thống kê

Trong tháng Mười Hai, cả nước có 10.027 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 243,7 nghìn tỷ đồng, giảm 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 105,8% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 24,3 tỷ đồng, tăng 138,9%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 89,9 nghìn người, giảm 2,5%.

Trong tháng, cả nước còn có 3.394 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thấp hơn 0,3% so với tháng trước; có 9.544 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1.895 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 7.649 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), giảm 7,5%; có 1.453 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 6,5%.

Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 1.107,1 nghìn người, giảm 4,7% so với năm trước.

Theo lĩnh vực hoạt động, năm 2018 có 46,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 35,3% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng  2,1% so với năm trước; 16,7 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,7%), tăng 4,4%; 16,2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), tăng 0,1%; 10 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,6%), tăng 6,1%; 7,6 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,8%), tăng 13,2%; 7,1 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,4%), tăng 40%; 6,9 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,2%), tăng 8,1%; 3,9 nghìn doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 3%), giảm 33,9%...

Trong năm nay, một số vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 38,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,1% (vốn đăng ký đạt 504,1 nghìn tỷ đồng, tăng 64,6%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 18,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% (vốn đăng ký 164 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%); Đông Nam Bộ 55,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 4% (vốn đăng ký 624,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2%); Đồng bằng sông Cửu Long 9,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,1% (vốn đăng ký 114,1 nghìn tỷ đồng, tăng 61,5%).

Các vùng còn lại có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với năm trước: Trung du và miền núi phía Bắc 5,3 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,5% (vốn đăng ký 47,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7%); Tây Nguyên 3,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,5% (vốn đăng ký 24,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%. Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ở hầu hết các lĩnh vực tăng so với năm trước: Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 10,7 nghìn doanh nghiệp (chiếm 39,4%), tăng 24,1%; có 4 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,8%), tăng 26,5%; 3,3 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,2%), tăng 18,5%; 1,5 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,7%), tăng 29,5%...

Đối với các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 22,4 nghìn doanh nghiệp (chiếm 35,3%), tăng 38,3% so với năm trước; 9,3 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,7%), tăng 75,1%; 7,9 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,4%), tăng 77,4%; 3,8 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 6%), tăng 101,4%; 3,5 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,5%), tăng 84,9%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước, trong đó 14.880 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,2% và tăng 34,2%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 6,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 32,3% so với năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 2,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 39,6%; xây dựng có 1,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 44,4%.