Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì ổn định
Chiều ngày 5/5/2023, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 4/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo.
Thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 diễn ra sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết Phiên họp nhằm đánh giá thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã đi qua 1/3 chặng đường năm 2023 với tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột Nga-Ukraine tiếp tục căng thẳng và chưa có dấu hiệu kết thúc; lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; các thị trường xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp... Trong khi đó, với độ mở nền kinh tế lớn nên nước ta chịu tác động rất lớn, trực tiếp bởi diễn biến tình hình thế giới, mang lại khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, thống nhất nhận định, trong điều kiện khó khăn do tác các động của tình hình thế giới và khu vực, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế... tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kì năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,9%. Xuất siêu tiếp tục tăng mạnh, tháng 4 xuất siêu 1,51 tỷ USD, 4 tháng đầu năm xuất siêu 6,35 tỷ USD. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối tương đối ổn định, kip thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tính đến ngày 24/4/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,6% so với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất thị trường dần ổn định.
Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/4/2023 là 110.633,573 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%) tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 16%)
Tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư đăng ký có vốn nước ngoài (bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 8,88 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kì năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành Chế biến, chế tạo giảm 2,1%, ngành Sản xuất và phân phối điện tăng 0,5%, ngành Khai khoáng giảm 2,8%...
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa thực sự vững chắc; môt số động lực tăng trưởng giảm; Lạm phát chịu nhiều sức ép; Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm giảm; Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; thị trường nội địa chưa được khai thác hiệu quả; Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ...
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đã trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí về các vấn đề dư luận đang quan tâm như: Thuế suất tối thiểu toàn cầu; Giải pháp để đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Long Thành; Tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi...