Tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh gắn liền tái cấu trúc thị trường chứng khoán

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam. Đây là một bước đi quan trọng nhằm từng bước hoàn chỉnh cấu trúc TTCK theo Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Phát triển TTCK phái sinh sẽ hỗ trợ sự phát triển bền vững các thị trường chứng khoán cơ sở. Nguồn: internet
Phát triển TTCK phái sinh sẽ hỗ trợ sự phát triển bền vững các thị trường chứng khoán cơ sở. Nguồn: internet
Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng TTCK phái sinh là bước kế tiếp nhằm hoàn chỉnh cấu trúc TTCK, hỗ trợ sự phát triển bền vững các TTCK cơ sở (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu), góp phần thúc đẩy sự phát triển và tăng cường vai trò của TTCK trong thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Theo Đề án, trong giai đoạn đầu phát triển thị trường, các chứng khoán phái sinh được phép giao dịch tại SGDCK là các hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số TTCK và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ. Hợp đồng tương lai dựa trên cổ phiếu, hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số TTCK, trái phiếu Chính phủ và cổ phiếu sẽ được tổ chức giao dịch khi thị trường phát triển ổn định.

Việc xây dựng và phát triển TTCK phái sinh theo lộ trình phát triển các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường. Cụ thể:

Giai đoạn 1 (2013-2015): Xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật để vận hành TTCK phái sinh.

Giai đoạn 2 (2016-2020): Tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán (chỉ số chứng khoán; trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu).

Giai đoạn 3 (sau 2020): Phát triển TTCK phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế.

Với quan điểm xây dựng TTCK phái sinh theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, không để TTCK phái sinh tự do hình thành và hoạt động tự phát. Đồng thời, xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng và phát triển TTCK phái sinh phải gắn với chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Về phương án xây dựng TTCK phái sinh tại Việt Nam, Đề án nêu rõ, TTCK phái sinh được tổ chức dưới hình thức là một đơn vị thuộc Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK). Việc tổ chức TTCK phái sinh gắn liền với quá trình tái cấu trúc TTCK, hợp nhất hai SGDCK hiện nay là SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh để thành lập  SGDCK Việt Nam. Thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh sẽ là một bộ phận trong SGDCK Việt Nam.

Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh được tổ chức tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, thực hiện chức năng thanh toán bù trừ cho các giao dịch chứng khoán phái sinh. Thành viên trên TTCK phái sinh bao gồm cả công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại đáp ứng đủ điều kiện là thành viên của Trung tâm Thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Trong đó, ngân hàng thương mại được phép giao dịch và thanh toán cho các chứng khoán phái sinh trên trái phiếu.

Về dài hạn các công cụ tài chính phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên SGDCK. Hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh được vận hành độc lập với hệ thống giao dịch cổ phiếu, trái phiếu trong hệ thống giao dịch của SGDCK. SGDCK tổ chức và điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh.

Đề án cũng nêu rõ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan quản lý, thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động TTCK phái sinh. SGDCK giám sát các hoạt động của thành viên và giao dịch chứng khoán phái sinh trên SGDCK. Còn Trung tâm Lưu ký chứng khoán giám sát các hoạt động của thành viên thanh toán bù trừ và các hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh.