Tổng cục Thuế: Đôn đốc thu hồi nợ thuế
Để thực hiện thu hồi nợ thuế, đảm bảo số nợ không vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho từng cục thuế, nhất là những địa phương có số thu điều tiết về ngân sách trung ương.
Giao chỉ tiêu cho từng cục thuế
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 30/4, cả nước có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, trong đó: Ngân sách trung ương là 15.760 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 60.240 tỷ đồng. Số tiền nợ thuế từ 90 ngày trở lên là 36.729 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,3% tổng số tiền nợ thuế; các khoản thuế, phí là 24.594 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan về đất là 12.135 tỷ đồng. Các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp là 23.921 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo về tình hình thu hồi nợ thuế tính đến 30/4, tổng số 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 14.250 tỷ đồng nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, bằng 19,6% tổng nợ đến 31/12/2015. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ thu được 10.990 tỷ đồng; bằng biện pháp cưỡng chế là 3.260 tỷ đồng.
Riêng 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, số tiền nợ tính đến 30/4 là 55.951 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng số tiền nợ thuế của cả nước. Một số tỉnh, thành phố có số tiền nợ lớn là: Hà Nội hơn 23.000 tỷ đồng, Đồng Nai 1.900 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 1.700 tỷ đồng, Bình Dương hơn 2.000 tỷ đồng…
Để đảm bảo cuối năm chỉ tiêu tổng nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu NSNN, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho các địa phương để đảm bảo cân đối thu NSNN từ nay đến cuối năm 2016. Theo đó, 13 cục thuế có điều tiết ngân sách về trung ương phải thu được ít nhất 19.500 tỷ đồng. Cụ thể: Hà Nội 6.720 tỷ đồng, TP.Hồ Chí Minh 7.075 tỷ đồng, Đà Nẵng 468 tỷ đồng, Bình Dương 1.090 tỷ đồng, Đồng Nai 967 tỷ đồng…
Lập tổ rà soát dữ liệu nợ thuế
Để xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ rà soát dữ liệu nợ thuế, xử lý nợ thuế tại Tổng cục Thuế và tại các cục thuế để triển khai rà soát nợ đối với DN nợ trên địa bàn, đối chiếu điều chỉnh các khoản nợ sai, nợ ảo để có biện pháp thích hợp. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện điện tử hóa trong khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ; Phân công, phân loại nợ, thu gọn lại các nhóm nợ thuế, phân loại đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp với tính chất của từng khoản nợ, khắc phục các vướng mắc hiện nay, đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nợ và thực hiện cưỡng chế nợ thuế.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp đôn đốc kịp thời các khoản thu theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…; xác định chính xác số liệu về nợ thuế, các khoản nợ do có khiếu nại được xử lý kịp thời để có căn cứ thực hiện đôn đốc, công bố thông tin về người nộp thuế có nợ tiền thuế và thực hiện cưỡng chế; tiếp tục thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Yêu cầu các cục thuế định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Thuế.
Thực tế, việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng thời gian qua gặp khó khăn do kê khai thông tin về tài khoản của người nộp thuế chưa đầy đủ. Một số người nợ thuế không chấp hành tốt việc cung cấp cho cơ quan thuế đầy đủ các tài khoản có dòng tiền, chỉ cung cấp những tài khoản không có số dư…
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện nghiêm túc việc phối hợp với cơ quan thuế trong công tác cưỡng chế tài khoản, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin tài khoản cho cơ quan thuế. Cụ thể, cho phép các cơ quan thuế khai thác thông tin về đăng ký tài khoản của doanh nghiệp để phục vụ cho công tác xác minh thông tin tài khoản để cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, khi cơ quan thuế có thể gửi thông báo về số nợ phải cưỡng chế của người nộp thuế đến NHNN, khi các doanh nghiệp nợ thuế phát sinh dòng tiền tại bất kỳ ngân hàng nào thì NHNN có thể chỉ đạo các NHTM tự động trích tiền để nộp vào NSNN đến khi hết nợ.
13 tỉnh thu được 11.865 tỷ đồng nợ thuế của năm 2015
Tính đến thời điểm 30/4, 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương đã đôn đốc thu được 11.865 tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, trong đó bằng biện pháp quản lý nợ thu được 9.827 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thu được 2.038 tỷ đồng.