Tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2022 là 1.111 tỷ đồng

Hà Anh

Ngày 9/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định số 325/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2022. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 9/3/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2022 đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cụ thể, đối với VDB, tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là 1.111 tỷ đồng.

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng dư nợ tín dụng so với năm 2021 đối với các chương trình tín dụng chính sách được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm (không bao gồm kế hoạch tăng dư nợ tín dụng các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ) là 8%.

Đồng thời, tăng dư nợ tín dụng các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện theo tiết c điểm 2 mục II Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình tối đa 19.000 tỷ đồng.

Quyết định số 325/QĐ-TTg nêu rõ, VDB, Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin số liệu đề xuất, báo cáo; có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được giao theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về việc tổng hợp các thông tin, số liệu và nội dung đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm theo đúng quy định.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền được giao đối với hoạt động của VDB và Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.