Tổng tài sản của Agribank đến cuối năm 2020 đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng.
Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động năm 2020 của Agribank, ông Tiết Văn Thành, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Năm 2020 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Agribank, là năm cuối cùng thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị triển khai Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 với thời cơ và thách thức mới.
Đặc biệt, ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng tại miền Trung, Tây Nguyên, Agribank đã chủ động kịch bản kinh doanh; triển khai biện pháp cơ cấu lại dư nợ, miễn giảm lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và miễn giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Sẵn sàng cho kịch bản này, Agribank đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2020 ở mức 12.500 tỷ đồng, giảm gần 15% so với năm 2019.
Theo đó, Agribank kịp thời thực hiện hiệu quả Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, 7 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 9 lần giảm phí dịch vụ; Triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%-2,5% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19, bão lũ.
Bên cạnh đó, Agribank thực hiện tiết giảm chi phí, giảm lương nhân viên, ủng hộ gần 50 tỷ đồng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ.
Đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng. Trong đó, gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; lợi nhuận đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua cung ứng hàng trăm sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đa dạng kênh phân phối; Triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 14.500 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng tại địa bàn 400 xã trên toàn quốc; Triển khai hiệu quả Đề án Thẻ “Tam nông”.
Riêng đối với Chương trình tín dụng tiêu dùng, sau gần 2 năm triển khai, doanh số cho vay của Agribank đã vượt xa quy mô ban đầu, đạt gần 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết…
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, hạn chế tín dụng đen và đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Tiếp tục hiện thực hóa Chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, năm 2020, Agribank triển khai nhiều hoạt động ngân hàng xanh, trong đó hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh tại các địa phương trên cả nước, trở thành đơn vị tiên phong hưởng ứng Chương trình 1 tỷ cây xanh trong 5 năm của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Agribank triển khai nhiều chương trình hoạt động Vì cộng đồng, tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn thông qua triển khai Chương trình trao tặng tủ sách “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, dành kinh phí hàng trăm tỷ đồng ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội ưu tiên lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình nghĩa, trạm y tế, đường giao thông nông thôn...
Thương hiệu, hình ảnh Agribank tiếp tục được khẳng định, lan tỏa thông qua các giải thưởng uy tín đạt được trong năm 2020: Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2020; Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VNR500; Top 3 trong 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam; Ngân hàng bán lẻ; Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu về hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao; Ngân hàng vì cộng đồng… Năm 2020, Agribank đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020- 2024), tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế, vai trò chủ lực của Agribank trong hệ thống ngân hàng.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện của Agribank trong năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị toàn hệ thống Agribank tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kinh doanh an toàn, hiệu quả; Ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế, góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Thay mặt Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên khẳng định, Agribank sẽ hiện thực hóa những nội dung chỉ đạo của Thống đốc tại Hội nghị vào trong hoạt động của Ngân hàng. Cụ thể, trong năm 2021, toàn hệ thống Agribank bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương, địa phương, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, đổi mới mô hình quản trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, phấn đấu đưa Agribank đạt Top 100 Ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản, hướng đến Ngân hàng số trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ; Xây dựng Agribank hiện đại, hội nhập, giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn với hình ảnh ngân hàng hiện đại, đổi mới, năng động, chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ hàng đầu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị: Trong năm 2021, toàn hệ thống Agribank tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kinh doanh an toàn, hiệu quả; Ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế, góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội...