Top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nửa đầu năm 2023
Kết thúc quý II/2023, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm 2022. Ngân hàng TMCP Quốc Dân đứng đầu hệ thống về tỷ lệ nợ xấu, tiếp sau là VPBank, ABBank, VietBank...
Việc tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là do ảnh hưởng từ khó khăn của bất động sản và tài chính tiêu dùng.
Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng thương mại, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã chứng khán: NVB) có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống. Đứng sau NCB là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã chứng khoán ABB) với tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,55% tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng. Tại ABBank, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ), với mức tăng lần lượt là 156% và 211%.
Vị trí thứ 3 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB). Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2023 của ngân hàng, nợ xấu của VPB tính đến ngày 30/6/2023 là 16.195 tỷ đồng, chiếm 3,88%.
Theo sát VPBank là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank – mã chứng khoán: VBB) với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 3,86%, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Bản Việt (VBB); Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGB); Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB); Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank – NAB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)...
Nhìn chung, chỉ có 2/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm 2023 là Kienlongbank và SHB. Cụ thể, Kienlongbank giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,92% xuống 1,65%. SHB cũng giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,81% xuống 2,58% trong nửa đầu năm 2023.
Theo số liệu từ Hiệp hội ngân hàng (VNBA), đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.
Tỷ lệ nợ xấu càng cao, khiến nguy cơ ảnh hưởng đến dòng vốn của các ngân hàng thương mại càng lớn. Đây là nguyên nhân chính kiềm chế sự lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.