TP. Hà Nội tổ chức đối thoại với doanh nghiệp

Theo Gia Huy/baochinhphu.vn

Chính quyền TP. Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo kiến nghị của doanh nghiệp; tiếp tục bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, không kể quy mô lớn nhỏ hay ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thành phố mong nhận được những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ảnh: VGP/Gia Huy
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thành phố mong nhận được những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ảnh: VGP/Gia Huy

Đây là cam kết của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19” tổ chức sáng 6/11.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng, Hà Nội tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, trước đó ngày 19/10, Thành phố đã tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP. Hà Nội; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn…

Doanh nghiệp đóng góp nguồn lực quan trọng trong phòng, chống COVID-19

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm từ sớm, từ xa và luôn chuẩn bị các điều kiện, các phương án phòng, chống dịch bệnh ở cấp độ cao hơn để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống của dịch bệnh.

Kết quả đến nay, Thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch bệnh, đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy mấy ngày gần đây dịch bệnh gia tăng nhưng Thành phố sẽ nỗ lực, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố thời gian qua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn khi Thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhưng với ý thức trách nhiệm cao, các doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động xây dựng và vận hành phương án sản xuất kinh doanh thích nghi với tình hình dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, phương tiện vận chuyển và nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác, qua đó chung tay cùng Thành phố từng bước kiểm soát tình hình dịch.

Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Đến nay, Thành phố đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đứng thứ 2 trong cả nước và chiếm tới 23,7% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước; các doanh nghiệp góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách nhà nước, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Kiến nghị của doanh nghiệp đóng góp vào giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả hơn

Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhìn nhận đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô. Tổng sản phẩm GRDP của Thành phố 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra; mặc dù, trong 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở tăng 76%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước;

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, các chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn…

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế, chính quyền Thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch COVID-19.

Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Thành phố khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ đối với Nhà nước; Thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, đối với cộng đồng; Thực hiện phát triển doanh nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ gìn lịch sử, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong nước để lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp trong nước để có giải pháp tháo gỡ, đồng thời Thành phố mong nhận được những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp, và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của Thành phố.

Các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, các Hiệp hội cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.