TPP và cam kết xóa bỏ thuế xuất, nhập khẩu của Việt Nam

PV.

Khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngoài việc được hưởng lợi từ ưu đãi thuế của các nước thành viên TPP thì Việt Nam cũng phải cam kết thực hiện xóa bỏ thuế xuất, nhập khẩu.

Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thông báo về lộ trình cam kết xóa bỏ thuế xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Nguồn: tapchitaichinh.vn
Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thông báo về lộ trình cam kết xóa bỏ thuế xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Nguồn: tapchitaichinh.vn

Chia sẻ băn khoăn của báo chí tại cuộc họp báo hôm 9/11/2015 về việc Việt Nam giam cam kết giảm thuế theo TPP có ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới hay không, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) khẳng định, việc tham gia TPP sẽ không tác động nhiều đến tình hình thu ngân sách của nước ta vì việc giảm thuế đã có lộ trình phù hợp.

“Mỗi hiệp định đều có tác động đa chiều, làm dịch chuyển thị trường xuất, nhập khẩu. Theo đó, nguồn thu ngân sách có thể giảm ở thị trường này nhưng có thể tăng ở thị trường khác”, ông Thăng cho biết.

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP. Theo đó, xóa bỏ 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, và 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Tại buổi họp báo, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế cũng đã thông báo về lộ trình xóa bỏ thuế xuất, nhập khẩu của Việt Nam như sau:

Về thuế nhập khẩu:

Đối với sản phẩm công nghiệp, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. Việt Nam sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất MFN.

Đối với nhựa và sản phẩm nhựa; Hóa chất và sản phẩm hóa chất; Giấy, đồ gỗ; Máy móc, thiết bị, phần lớn Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, và một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4.

Đối với sắt thép, xăng dầu, chủ yếu Việt Nam xóa bỏ thuế vào năm thứ 11. Rượu bia sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 3 đối với rượu sake và các mặt hàng rượu còn lại xóa bỏ thuế vào năm thứ 11, một số loại vào năm thứ 12. Dệt may, giày dép cũng được Việt Nam xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Đối với sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản, Việt Nam xóa bỏ thuế đối với gạo ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với sữa và sản phẩm sữa, xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xoá bỏ vào năm thứ 3. Ngô vào năm thứ 5 và một số loại xoá bỏ vào năm thứ 6.

Thực phẩm chế biến từ thịt, Việt Nam xóa bỏ thuế vào năm thứ 8 đến năm thứ 11, chế biến từ thủy sản xóa bỏ vào năm thứ 5, cụ thể: Thịt lợn xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đối với thịt lợn tươi và vào năm thứ 8 năm đối với thịt lợn đông lạnh; Thịt gà vào năm thứ 11/12.

Mặt hàng đường, trứng, muối sẽ được xóa bỏ thuế trong hạn ngạch của WTO vào năm thứ 6 đối với mặt hàng trứng và vào năm thứ 11 đối với mặt hàng đường, muối.

Lá thuốc lá cũng được xóa bỏ thuế trong hạn ngạch vào năm thứ 11 đối với lượng hạn ngạch 500 tấn, mỗi năm tăng thêm 5% trong vòng 20 năm. Thuế suất ngoài hạn ngạch duy trì ở mức MFN đến năm thứ 20, đến năm 21 thuế nhập khẩu về 0%. Riêng thuốc lá điếu, Việt Nam sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16. Phân bón được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực...

Về thuế xuất khẩu:

Trong thành viên TPP có 3 nước áp dụng thuế xuất khẩu là Việt Nam, Malaysia và Canada. Cả 3 nước cam kết xoá bỏ thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng được bảo lưu. Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu, cụ thể:

- Đối với nhóm khoáng sản: cát (Ch.25), đá phiến (2514), đá làm tượng đài hoặc xây dựng (2516), quặng dolomite (2518), quặng amiăng (2524), đá vôi (2521), quặng steatit (2526).

- Đối với nhóm quặng: quặng đồng (2603), cô ban (2605), quặng nhôm (2606), quặng chì (2607), quặng kẽm (2608), quặng urani (2612), quặng thori (2612), quặng titan (2614), quặng zircon (2615), quặng vàng (2616) và quặng antimon (2617).

- Đối với nhóm than: than đá (2701), than non (2702), than bùn (2703), và dầu thô (2709).

- Đối với nhóm vàng (7108) và vàng trang sức (7113-7115).