TPP thúc đẩy thương mại, đầu tư và cải cách kinh tế

Theo tapchithue.com.vn

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP là một thắng lợi mang tính đột phá và có giá trị rất lớn đối với bản thân mỗi quốc gia thành viên.

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP là một thắng lợi mang tính đột phá.
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP là một thắng lợi mang tính đột phá.

Đây được xem là hình mẫu hợp tác, với những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế trong thế kỷ 21. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng như trong và ngoài nước đều nhận định, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất sau khi TPP được ký kết.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng rõ rệt, có thể lên tới 68 tỷ USD-tương ứng với hơn 28% vào năm 2025 nhờ tác động của TPP. Các chuyên gia cũng nhất quán về quan điểm này và nhấn mạnh về sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động xuất khẩu. Hàng loạt hàng hóa, sản phẩm vốn là thế mạnh của ta sẽ được tiếp sức bởi thuế suất bằng 0%. Đây là cú hích rất mạnh cho các DN trong nước, vì họ đứng trước cơ hội được phát huy hết tiềm năng, thực lực để sản xuất và xuất khẩu vào 11 thị trường với tổng số gần 1 tỷ người tiêu dùng.

Điều đáng mừng là, nhờ thuế suất ưu đãi đặc biệt, nên hàng hóa của Việt Nam vừa có lợi thế về giá, vừa tránh được nguy cơ bị cạnh tranh từ phía các nước nằm ngoài khuôn khổ TPP. Một số mặt hàng được hưởng lợi, dự báo sẽ tăng trưởng mạnh với lợi nhuận khá cao là dệt may, da giày, điện thoại, đồ gỗ, thủy sản.

Bên cạnh đó, nếu xét về cơ cấu hàng xuất khẩu, thì phần lớn chủng loại hàng của Việt Nam và các nước thành viên TPP đều có tính chất riêng biệt, có thể bù đắp cho nhau. Đây cũng là một thực tế tạo ra sự thuận lợi to lớn về cơ hội, tâm lý để DN Việt an tâm chủ động đầu tư làm hàng xuất khẩu mà không phải đối phó với tình trạng “đụng hàng”.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, làn sóng đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sẽ sớm xuất hiện, thông qua việc các nước đã phát triển, đồng thời là thành viên TPP tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, DN đến từ Hoa Kỳ sẽ đầu tư với tốc độ rất nhanh để thiết lập chuỗi sản xuất-cung ứng tại Việt Nam và điều đó sẽ nhanh chóng cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng ĐTNN của họ, thậm chí DN nước này sẽ chiếm ngôi vị số 1.

Đây cũng là một xu thế đang ngày càng bộc lộ rõ ràng, với điểm nhấn là kết quả thu hút vốn ĐTNN đã có sự bứt phá ngoạn mục từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia cũng nhận định, nhờ lợi thế về thuế suất thấp, lực lượng lao động dồi dào cũng như vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho hoạt động giao thương, Việt Nam sẽ sớm đón làn sóng ĐTNN ở quy mô lớn hơn hẳn thời gian vừa qua.

Đáng lưu ý là, sự quan tâm và những hành động sẵn sàng gia tăng đầu tư và thương mại ở Việt Nam của giới DN nước ngoài cũng tương đồng và đáp ứng những yêu cầu cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Đây là một trùng hợp đầy ý nghĩa, nhưng không phải là ngẫu nhiên mà đã có sự chuẩn bị, vận động theo hướng sẵn sàng thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Điều đó dựa trên cơ sở sự đồng thuận, chia sẻ với nhà đầu tư và không ngừng cải thiện chất lượng đầu tư-kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh, hấp dẫn của nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng nhất trí rằng, Chính phủ nên tranh thủ thời gian, tăng tốc độ cải cách thể chế kinh tế nhằm xác lập khung pháp lý, hội tụ các điều kiện đầy đủ của một nền kinh tế thị trường. Đây sẽ là sự chuyển đổi hợp quy luật và càng không thể có sự lựa chọn thay thế khác khi Việt Nam hội nhập quốc tế nói chung và TPP nói riêng. Nói cách khác, chính TPP vừa là mục tiêu nhưng cũng là thách thức để tác động, buộc cơ quan hoạch định chính sách, làm luật và quản lý phải thay đổi để đáp ứng và phù hợp với “luật chơi” mới theo chuẩn cao nhất của thế giới.

Việc thay đổi thể chế kinh tế là vấn đề rất cơ bản, mà Nhà nước đóng một vai trò tốt hơn trong thúc đẩy đầu tư, thương mại và sản xuất, kinh doanh nhưng phải xử lý tốt và minh bạch hóa các vấn đề quan trọng gồm: cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường hay các vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp… Làm được như vậy sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Nói cách khác, quá trình chuẩn bị tham gia, nhất là sau khi ký kết TPP sẽ là sự thay đổi, tập dượt liên tục, công phu để Việt Nam lớn mạnh, vươn lên đẳng cấp cao hơn của nền kinh tế.