"Trading" theo mùa báo cáo tài chính
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III được đánh giá là yếu tố chính tạo ra cú hích tăng điểm cho thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để mở vị thế đón đầu ở các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều, hoặc đang tái tích lũy, thuộc các ngành có kết quả kinh doanh quý III tích cực, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn.
Thị trường chứng khoán hướng đến nửa cuối tháng 10 với nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III chuẩn bị bắt đầu sẽ phần nào trả lời cho nhà đầu tư về những lo ngại gần đây xung quanh ảnh hưởng của siêu bão Yagi đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tích lũy dần chờ “sóng”
Theo FiinGroup, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục khả quan trong quý III/2024 nhờ nền so sánh là mức đáy trong 6 quý trở lại đây được thiết lập trong quý III/2023.
FiinGroup cho rằng với cầu tiêu dùng dự kiến sẽ hồi phục mạnh hơn và biên lợi nhuận duy trì mở rộng (nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào), triển vọng tăng trưởng trong quý III và quý IV/2024 khá tích cực với hầu hết các ngành. Yếu tố lợi nhuận quý III tiếp tục hồi phục mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường quý III sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái.
"Nếu bức tranh lợi nhuận của thị trường tích cực như kỳ vọng sẽ là cú hích tinh thần mạnh mẽ cho nhà đầu tư và xu hướng thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024", ông Hinh nhận định.
Thực tế, dòng tiền chưa trở lại mạnh mẽ, nhưng sự luân chuyển đã tích cực hơn, nhiều mã, ngành tăng giá trong giai đoạn đón nhận thông tin kết quả kinh doanh quý III năm nay. Dòng tiền sẽ bắt đầu có xu hướng dịch chuyển luân phiên qua các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III tích cực để tìm kiếm lợi nhuận.
Chuyên gia Phạm Bình Phương - Chứng khoán Mirae Asset cho biết, xét riêng từng cổ phiếu , các nhóm được kỳ vọng có kết quả tích cực như công nghệ (FPT), logistics (VTP, ACV)… đang tạo những đỉnh mới cao hơn trong 2 tuần gần nhất. Nhà đầu tư cần chú ý hơn đến các câu chuyện riêng của doanh nghiệp trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III sắp tới.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ dao động biên độ hẹp, kèm theo sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu theo thông tin lợi nhuận quý III của từng doanh nghiệp cụ thể. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để mở vị thế mua theo chiến lược mua đón đầu, ở các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều, hoặc đang tái tích lũy, thuộc các ngành có kết quả kinh doanh quý III tích cực như bán lẻ, hàng tiêu dùng, phân bón, xuất khẩu, khu công nghiệp, cảng biển, công nghệ thông tin, nông nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Giám đốc phân tích, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định lợi nhuận quý III/2024 của nhiều doanh nghiệp vẫn được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Từ đó, dòng tiền trên thị trường có thể tìm đến những nhóm ngành, cổ phiếu kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng hoặc có câu chuyện đầu tư riêng.
Nhà đầu tư có thể quan tâm tới cổ phiếu thuộc nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may), nhóm bán lẻ. Đối với nhóm xuất khẩu, các thị trường có những tín hiệu khả quan như sức cầu và đơn hàng cải thiện sẽ hỗ trợ sự phục hồi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Về nhóm bán lẻ, lợi nhuận đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ từ quý I/2024 và vẫn sẽ duy trì trong nửa cuối năm 2024 với các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT hay tăng tiền lương cơ bản.
Chú ý tới nhóm vốn hóa lớn
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn các cổ phiếu ưu tiên cần chú ý những doanh nghiệp đơn ngành đứng đầu ngành có lợi thế phù hợp giải ngân và đầu tư.
“Tăng trưởng của các doanh nghiệp VN30 vượt trội so với các nhóm còn lại, phản ánh một phần nào thực trạng của kinh tế Việt Nam, là doanh nghiệp đầu ngành thì bắt nhịp cơ hội trên thị trường nhanh hơn (nguồn lực lớn, thị phần tốt…)”, ông Ngô Thế Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích, Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết.
Về mặt định giá, P/E của VN-Index tăng nhẹ từ 14,01x cuối tháng 8 lên 14,05x cuối tháng 9, thấp hơn mức bình quân 14,07x của chỉ số này trong một năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 13,0x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17,04x) và VNSML (15.49x).
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Khoa, dòng tiền hiện tại đang có xu hướng tìm đến nhóm cổ phiếu trụ với kỳ vọng về nâng hạng thị trường và dòng tiền khối ngoại đảo chiều trong giai đoạn tới.
Với những yếu tố trên, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu “hàng hiệu”. Đó là tập trung vào doanh nghiệp tốt đầu ngành, nguồn cung nhỏ giọt, lợi tức tốt, có cổ đông lớn gắn bó với doanh nghiệp. Khi mua thì theo hai chủ điểm là giá trị và xu hướng. Nhà đầu tư cần xem xét về xu hướng tăng trưởng của công ty, giá cổ phiếu có đang dưới giá trị không, hiệu suất có tăng tốt hơn GDP và cao hơn lãi suất ngân hàng không.
Trong bối cảnh hiện tại, ABS Research khuyến nghị mua 3 cổ phiếu tiềm năng thuộc nhóm VN30 là PLX (Petrolimex), TPB (TPBank) và VPB (VPBank) dựa trên tiềm năng tăng trưởng và định giá hấp dẫn.
Cụ thể, ABS Research đánh giá tích cực cổ phiếu PLX với tiềm năng tăng trưởng dựa trên thị trường phân phối xăng dầu tại Việt Nam; cơ hội mở rộng thị phần nhờ vai trò đầu mối trong lĩnh vực xăng dầu; việc sớm triển khai hóa đơn bán lẻ; và Dự thảo Nghị định lần 4 về kinh doanh xăng dầu. Còn TPB và VPB là nhờ kết quả kinh doanh quý II/2024 tăng trưởng.
Nhìn chung, việc “đu sóng” theo kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp đang được giới phân tích khuyến nghị. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý, về dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp luôn ảnh hưởng tới tăng trưởng của giá cổ phiếu. Còn trong ngắn hạn, mức tương quan giữa tăng trưởng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu có thể không hoàn toàn theo tỷ lệ thuận, hoặc đôi lúc cũng không tương quan vì biến động giá cổ phiếu còn chịu tác động bởi nhiều sự kiện ảnh hưởng ngắn hạn lên tâm lý của nhà đầu tư.