Nâng hạng thị trường chứng khoán và kỳ vọng những mục tiêu xa hơn
Mục tiêu của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc lọt vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE mà còn hướng đến thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE và thị trường mới nổi của MSCI, kiến tạo một thị trường chứng khoán phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập vào năm 2030.
Bước tiến mới để củng cố cơ hội nâng hạng
Tại báo cáo xếp hạng thị trường hồi tháng 3/2024, FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi để nâng hạng (được thêm vào từ hồi tháng 9/2018). Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market).
Xét về tỷ trọng, quy mô thị trường tài chính Việt Nam đã “quá khổ” trong nhóm thị trường cận biên với tỷ trọng vượt trội so với các quốc gia khác. Cụ thể, tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam trong rổ của FTSE là 36,3% và MSCI là 25,9% (tính đến ngày 30/8/2024).
Thông báo cuối tháng 8/2024 cho biết, FTSE Russell duy trì các đánh giá về tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)", quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại) hoặc sắp cạn room nước ngoài. Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường. Còn lại hai vấn đề cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Để tháo gỡ nút thắt trên, ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC với những quy định mới tạo hành lang pháp lý cho giao dịch “thiếu tiền” của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, Thông tư này còn quy định các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình 2025-2028.
Cụ thể, công ty đại chúng quy mô lớn (vốn chủ sở hữu trên 120 tỷ đồng) công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ đầu năm 2025 và thông tin bất thường để từ đầu năm 2026. Công ty đại chúng khác công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ đầu năm 2027 và thông tin bất thường kể từ đầu năm 2028.
Như vậy, các quy định mới trong Thông tư số 68/2024/TT-BTC sẽ gỡ bỏ một trong những rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đánh giá tham gia vào đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi Thông tư số 68/2024/TT-BTC có hiệu lực, khả năng tiếp cận thông tin và tiêu chí “Đối xử công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ” cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Đây chính là điểm cộng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Loạt động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell. Theo SSI Research, đây là một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell.
Kiến tạo thị trường an toàn, bền vững, hội nhập
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, SSI Research ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Trong một đánh giá khác, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đây cũng là bước đệm để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí khác để có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE và thị trường mới nổi của MSCI, bao gồm: Thị trường ngoại hối phát triển; cho phép vay cổ phiếu; cho phép bán khống; thị trường phái sinh phát triển; cho phép giao dịch ngoài sàn; có cơ chế giao dịch hiệu quả giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và có trung tâm thanh toán bù trừ tập tring (CCP).
Theo ACBS, việc giải quyết các tiêu chí trên sẽ phức tạp hơn vì liên quan đến an ninh tiền tệ quốc gia. Ngoài các tiêu chí thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, còn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan khác như Ngân hàng Nhà nước, cũng như định hướng và chỉ đạo từ Chính phủ, nên sẽ cần nhiều thời gian hơn để xử lý. ACBS cho rằng, thời điểm để Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chí để nâng hạng lên thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE cũng như thị trường mới nổi của MSCI sẽ từ 2-3 năm nữa.
Như vậy, lộ trình phát triển hoàn toàn phù hợp theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiến tạo một thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập, tăng cường liên kết quốc tế…