“Trái ngọt” từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Khởi đầu từ TP. Hồ Chí Minh tháng 7/2012, chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp đã góp phần đưa tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm.
Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2017” dưới sự chủ trù của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành. Tham dự hội thảo có sự hiện diện của đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh, các Vụ, Cục NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng (TCTD)...
Hiệu quả từ tiếng nói chung
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thể hiện tính chủ động, sáng tạo của NHNN và các NHTM trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp xuất nhập khẩu… tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Đại diện các doanh nghiệp, các TCTD cũng cho rằng: Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp triển khai đã tạo sự gắn kết và mở rộng mối quan hệ đồng hành ngân hàng - doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng cho doanh nghiêp, tạo động lực phát triển cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thông qua chương trình, các TCTD đã kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng bằng việc đối thoại trực tiếp, nhanh chóng giải quyết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Lan tỏa và nhân rộng tại các địa phương
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được khởi đầu từ TP. Hồ Chí Minh tháng 7/2012 với sự vào cuộc của ngành Ngân hàng, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp đã nhanh chóng lan tỏa và đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc xử lý những vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, kịp thời giải quyết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đến nay, Chương trình đã được nhân rộng triển khai trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Đây là chương trình phối hợp trên phạm vi rộng có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.
Cụ thể, chương trình đã góp phần đưa tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và kết quả 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016. Trong đó, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016.
Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so với ngày 31/12/2016. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.
Tính đến cuối năm 2016 đã có gần 700 hội nghị đối thoại giữa ngân hàng và các cấp chính quyền với doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước và đã tháo gỡ khó khăn cho gần 75.000 doanh nghiệp với nhiều hình thức, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt khoảng 1.200.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay mới phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-10%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.
Các ngân hàng thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ của khách hàng,… với dư nợ khoảng 88.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng, và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp; số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, ngành Ngân hàng tập trung vào một số giải pháp:
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 33/NQ-CP, từ đó hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong việc triển khai chương trình, kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Thứ ba, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Chương trình bằng việc tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Thứ tư, khuyến khích các TCTD phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho các đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro.