Trao đổi về Chuẩn mực kế toán Việt Nam trên khía cạnh tài sản cố định
Việc áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)/Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) không phải là hoàn toàn dễ dàng đối với các doanh nghiệp ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ những tồn tại của Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) có thể thấy, việc Việt Nam lựa chọn mô hình vận dụng có chọn lọc IAS/IFRS làm cơ sở chủ yếu để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán cho mình là một sự lựa chọn hợp lý.
Một số vấn đề trao đổi
VAS 3 chỉ cho phép đánh giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp có quyết định của Nhà nước, đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết,chia tách, sáp nhập doanh nghiệp và không được ghi nhận phần tổn thất tài sản hang năm.
Trong khi đó, theo IAS 16, doanh nghiệp được phép đánh giá lại tài sản theo giá thị trường và được xác định phần tổn thất tài sản hàng năm, đồng thời được ghi nhận phần tổn thất này theo quy định tại IAS
VAS hiện thiếu một số chuẩn mực liên quan đến các đối tượng và giao dịch đã phát sinh như: thanh toán bằng cổ phiếu (IFRS 02); công cụ tài chính (IFRS9); phúc lợi của nhân viên (IAS 19) các khoản tài trợ của Chính phủ (IAS 20); nông nghiệp (IAS 41); tổn thất tài sản (IAS 36)...
IAS/IFRS ngày càng hướng tới đo lường tài sản dựa trên cơ sở giá trị hợp lý nhằm đảm bảo tính “liên quan” của thông tin kế toán đối với các đối tượng sử dụng, trong khi đó giá gốc vẫn là cơ sở đo lường chủ yếu được qui định bởi VAS.Điều này ảnh hưởng lớn đến việc kế toán các tài sản và nợ phải trả được phân loại là công cụ tài chính, làm suy giảm tính trung thực, hợp lý của BCTC và chưa phù hợp với IAS/IFRS.
Phương hướng phát triển VAS phù hợp hơn với IAS về TSCĐ
Với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì hệ thống kế toán Việt Nam cần được điều chỉnh bởi một hệ thống chuẩn mực kế toán mang tính linh hoạt, cập nhật cao hơn với các chuẩn mực kế toán quốc tế.
Từ những nguyên nhân trên, những phương hướng để phát triển VAS phù hợp hơn với IAS về TSCĐ có thể đề cập đến bao gồm:
- VAS cần được cập nhật một cách thường xuyên hơn với IAS, sửa đổi một cách linh hoạt hơn để thích ứng với mức độ phát triển nhanh của yêu cầu quản lý nền kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
- Với 26 VAS đã được ban hành thì cần liên tục hoàn thiện, cập nhật các thay đổi nhằm phù hợp hơn với IAS, cũng là phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới về hội tụ chuẩn mực kế toán quốc tế.
- Việc sử dụng nhiều hơn các ước tính kế toán sẽ khiến VAS tiến gần hơn với IAS. Giá trị hợp lý được sử dụng thì giá trị của tài sản trên BCTC sẽ được phản ánh một cách liên quan hơn đến tình hình tài chính của đơn vị, thông tin BCTC mang lại sẽ hữu ích hơn đối với người dùng.
- IAS có chuẩn mực kế toán về Tổn thất tài sản (IAS 36 – Impairement of assets) trong khi VAS hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành chuẩn mực này theo đặc điểm của nền kinh tế nước ta, có như vậy việc xác định nguyên giá của TSCĐ mới có sự thống nhất với IAS.
- Việc tăng cường tính minh bạch của thông tin kế toán, cũng sẽ làm thay đổi môi trường kế toán và văn hóa kinh doanh của Việt Nam. Từ đó, việc sử dụng các ước tính kế toán sẽ dễ được áp dụng hơn trong các VAS. Đồng thời, khi tính minh bạch cao thì tính hữu ích của thông tin do BCTC cung cấp cho người dùng cũng sẽ tăng lên. Chẳng hạn như, thị trường giao dịch tài sản cần phải minh bạch và hoạt động để có thể sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường giá trị tài sản…
Việt Nam cần đầu tư hơn nữa cho đội ngũ phân tích, soạn thảo chuẩn mực, cần có kinh phí cho việc đào tạo đội ngũ nhân viên kế toán, bởi lẽ việc áp dụng IAS /IFRS là điều không hề đơn giản.
Việc áp dụng IAS/IFRS không phải là hoàn toàn dễ dàng đối với các doanh nghiệp ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ những hạn chế của VAS đã phân tích nêu trên, có thể thấy, việc Việt Nam lựa chọn mô hình vận dụng có chọn lọc IAS/IFRS làm cơ sở chủ yếu để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán cho mình là một sự lựa chọn hợp lý.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về kế toán, phù hợp quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, Việt Nam cần có giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, bao gồm cả giải pháp trực tiếp đối với hệ thống chuẩn mực kế toán và giải pháp thuộc về môi trường kinh tế, pháp luật.