Trao đổi về khấu trừ thuế giá trị gia tăng tại doanh nghiệp hiện nay
Nhằm giúp doanh nghiệp xử lý khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trước khi lập báo cáo tài chính và quyết toán thuế, bài viết trao đổi một số kinh nghiệm khi khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với sản phẩm, dịch vụ được giảm giá, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, hàng hóa, dịch vụ bị trả lại, bị mất, tổn thất do thiên tai, do cá nhân gây ra và bị vượt định mức tiêu hao cũng như việc phân bổ để khấu trừ thuế giá trị gia tăng trong các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của DN vẫn còn mắc không ít thiếu sót, do vậy, việc hiểu đúng các quy định, tránh trường hợp bị xử phạt là rất cần thiết.
Thứ nhất, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ được giảm giá, chiết khấu thương mại.
DN được giảm giá, chiết khấu thương mại khi bên bán đã đăng ký các khoản này theo đúng quy định của Luật Thương mại, khi đó thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ được giảm giá, chiết khấu thương mại bị giảm trừ. Nếu DN được giảm giá, chiết khấu thương mại theo thời điểm (theo ngày) thì DN được giảm thẳng vào đơn giá mua và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng theo giá mua đó. Ngoài ra, DN được hưởng giảm giá, chiết khấu thương mại theo thời kỳ (theo tháng, quý, năm) thì xảy ra hai trường hợp sau:
- Nếu giá trị mua bán lần cuối lớn hơn giá trị chiết khấu, giảm giá thì bên bán khi xuất hóa đơn GTGT phải ghi thêm 01 dòng chiết khấu, giảm giá, khi đó bên mua được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn.
- Nếu giá trị mua bán lần cuối nhỏ hơn giá trị chiết khấu, giảm giá thì bên bán viết chiết khẩu, giảm giá vào lần tiếp theo, tuyệt đối bên bán không được ghi âm trên hóa đơn. Trong trường hợp, bên mua không mua nữa, bên bán sẽ xuất hóa đơn GTGT độc lập ghi nhận khoản chiết khấu, giảm giá cho hóa đơn “từ số ... đến số ....” và gửi cho bên mua.
Thứ hai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ được chiết khấu thanh toán, hỗ trợ mua hàng.
- Đối với chiết khấu thanh toán: Bên bán không được ghi giảm chiết khấu thanh toán theo giá trước thuế trên hóa đơn GTGT để xuất cho bên mua, nếu không bên mua sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trên hóa đơn đó. Nhưng bên bán được phép không ghi giảm chiết khấu thanh toán trên hóa đơn mua hàng mà thanh toán bằng tiền hay bù trừ công nợ theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa bên mua và bên bán.
- Đối với hỗ trợ mua hàng: Nếu bên bán hỗ trợ mua hàng bằng tiền thì không liên quan đến khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nếu bên bán hỗ trợ mua hàng bằng hàng hóa, dịch vụ thì người bán phải xuất hóa đơn GTGT, kê khai thuế GTGT đầu ra nhưng bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì bên mua không phải thanh toán số hàng hóa, dịch vụ đó.
Thứ ba, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ bị trả lại.
Sản phẩm, dịch vụ mà bên mua trả lại bên bán thì bên mua cần điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào, bên bán điều chỉnh thuế GTGT đầu ra. Cả bên mua và bên bán cần chú ý lý do trả lại hàng được chấp nhận được ghi rõ trong hợp đồng như: Hàng kém chất lượng, hàng sai quy cách, chủng loại.
- Nếu là tổ chức kinh doanh trả lại hàng: Bên mua lập biên bản trả lại hàng, xuất hóa đơn GTGT trả lại hàng cho bên bán, trên hóa đơn ghi rõ: Hóa đơn xuất trả lại hàng do hàng kém chất lượng hoặc hàng sai quy cách, chủng loại (theo Mục 2.8, phụ lục 04 Thông tư số 39/2014/TT-BTC).
- Nếu là tổ chức không kinh doanh (Sở Tài chính, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội...) trả lại hàng, thì bên mua cần lập biên bản trả lại ghi rõ lý do trả lại hàng như hàng kém chất lượng hoặc sau quy cách..., số lượng hàng trả lại, số tiền tương ứng, tiền thuế..., bên mua trả lại hóa đơn GTGT gốc. Trong trường hợp bên mua chỉ trả lại một phần hàng đã mua thì cũng phải trả lại hóa đơn GTGT gốc rồi bên bán mới xuất hóa đơn GTGT bổ sung.
- Nếu là cá nhân trả lại hàng: Cá nhân không có hóa đơn, cá nhân cần trả lại bên bán hóa đơn GTGT gốc và biên bản trả lại hàng. Trong trường hợp cá nhân làm mất hóa đơn thì cá nhân phải chịu mức phạt bằng ½ trị giá hóa đơn đó và cá nhân phải tự đi nộp khoản phạt này cho cơ quan thuế.
Thứ tư, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm bị mất khi kiểm kê, tổn thất do thiên tai, do cá nhân gây ra.
- Sản phẩm bị mất khi kiểm kê kho: Nếu sản phẩm đó được bồi thường đủ thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của số sản phẩm đó mà phải xử lý giảm thuế GTGT đầu vào, giảm chi phí vì sản phẩm đó không còn trong kho, không sử dụng để sản xuất kinh doanh. Nếu kế toán xử lý đối với số sản phẩm bị mất bằng cách xuất hóa đơn bán ra cho số sản phẩm bị mất để DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì DN sẽ bị phạt tiếp (phạt hai lần) vì đây là hóa đơn xuất khống. Nếu kế toán xử lý bằng cách bù bằng sản phẩm khác thì cũng không được chấp nhận vì người bán sẽ xuất hóa đơn cho sản phẩm bù đó, nếu đơn vị mua là tên DN thì đây là lần mua mới, trong khi nếu là tên cá nhân thì không có liên quan gì đến DN.
- Sản phẩm bị tổn thất do thiên tai (lũ lụt, sét đánh...) gây ra: DN vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với sản phẩm này (Khoản 1, điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC). Nhưng nếu DN đã mua bảo hiểm và được bồi thường theo giá cả thuế GTGT thì không được khấu trừ, còn DN đã mua bảo hiểm và được bồi thường theo giá chưa thuế GTGT thì được khấu trừ thuế GTGT bình thường. Trường hợp chưa mua bảo hiểm cho số sản phẩm đó thì DN vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với phần sản phẩm bị tổn thất xác định được.
- Sản phẩm bị tổn thất do cá nhân gây ra: Khi đó cá nhân phải chịu trách nhiệm, DN có thể hỗ trợ cho cá nhân một phần. Khoản thuế GTGT đầu vào đối với sản phẩm do cá nhân làm mất thì DN không được khấu trừ.
Thứ năm, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm vượt định mức tiêu hao.
Nếu vượt định mức tiêu hao sản phẩm do DN tự xây dựng thì DN vẫn được khấu trừ phần thuế GTGT trong định mức cho phép. Nếu vượt định mức tiêu hao sản phẩm do Nhà nước xây dựng thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời chi phí phát sinh cũng bị loại khỏi chi phí được trừ. Nếu DN không xây dựng định mức tiêu hao sản phẩm thì cơ quan thuế ấn định định mức. Nếu trong định mức thì DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, còn ngoài định mức thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thứ sáu, phân bổ để khấu trừ thuế GTGT hàng tháng và cuối năm đối với mặt hàng không chịu thuế GTGT, mặt hàng không kê khai thuế và mặt hàng chịu thuế GTGT.
Khi phân bổ để khấu trừ thuế GTGT hàng tháng và cuối năm đối với mặt hàng không chịu thuế GTGT và mặt hàng chịu thuế, kế toán vận dụng nội dung thuộc khoản 9 điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính để phân bổ thuế GTGT dùng chung cho hai hoạt động, kế toán cần chú ý phần mẫu số của công thức có bổ sung chỉ tiêu “doanh thu không phải kê khai thuế” theo điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và điều 1 Thông tư số 193/2015/TT-BTC. DN chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT. Thuế GTGT đầu vào dùng chung cho mặt hàng không phải kê khai thuế GTGT và mặt hàng chịu thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ, vì vậy kế toán không cần phân bổ.
Thứ bảy, phân bổ để khấu trừ thuế GTGT đối với trường hợp thanh toán sai năm tài chính và sai hóa đơn tài chính.
Đối với hóa đơn GTGT đầu vào DN phải thanh toán ở năm này nhưng năm sau mới thanh toán và thanh toán sai quy định thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, không được ghi nhận khoản chi phí tại tháng/năm phát sinh thanh toán sai quy định. Vì vậy, việc phân bổ để khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp này là sai. Đối với hóa đơn GTGT đầu vào đã khấu trừ năm nay nhưng sang năm mới phát hiện là hóa đơn tài chính bị sai thì kế toán cần khai bổ sung giảm thuế GTGT đầu vào cho năm nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thuế GTGT 2008, Luật Thuế GTGT sửa đổi, bổ sung năm 2013;
2. Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi một số điều của Luật thuế GTGT, quản lý thuế;
3. Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ;
4. Một số thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư số 156/2013/TT-BTC; Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, Thông tư số 26/2015/TT-BTC.