Trên 10.000 tỷ được ngành Thuế kiến nghị xử lý sau thanh tra
Trong tháng 10, ngành Thuế đã thanh tra 417 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, kiến nghị xử lý qua thanh tra gần 10.300 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2019 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.031.723 tỷ đồng, bằng 88,3% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến cuối tháng 10/2019, hệ thống quản lý thuế ghi nhận có 751.917 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, tăng 54.322 doanh nghiệp so với thời điểm cuối năm 2018.
Thời gian qua, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu được 27.667 tỷ đồng nợ thuế, bằng 71,4% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018, tăng 0,4%; trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.653 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 10.014 tỷ đồng.
Số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 10/2019 là 83.392 tỷ đồng, giảm 3% (tương đương giảm 2.617 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền nợ thuế, giảm 12,3% (6.109 tỷ đồng); tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự…) là 39.848 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Từ đầu năm 2019, ngành Thuế cũng đã thực hiện 71.323 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra 394.523 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra ước đạt hơn 43.700 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 11.800 tỷ đồng; giảm khấu trừ gần 2.000 tỷ đồng; giảm lỗ gần 30.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngành Thuế đã thanh tra 417 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, kiến nghị xử lý qua thanh tra gần 10.300 tỷ đồng.
Được biết, từ nay đến hết năm, ngành Thuế tiếp tục triển khai quyết liệt việc quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; đánh giá, phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ theo quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra các chuyên sâu, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế; doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, có rủi ro cao về giá chuyển nhượng để ngăn chặn các hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế...
Box: Mới đây, Chính phủ đề xuất xóa gần 16.400 tỷ đồng nợ thuế. Cụ thể, báo cáo trước Quốc hội sáng 22/10/2019, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế nhưng số thuế nợ vẫn cao, hơn 88.250 tỷ đồng đến cuối tháng 8/2019, tăng 8,2% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách gần 43.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), chiếm xấp xỉ 49% tổng số tiền nợ thuế. Phần lớn tiền nợ thuế, do người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản... Chiếm nhiều nhất trong số này là tiền nợ thuế của doanh nghiệp, cá nhân đã bỏ địa chỉ kinh doanh, gần 24.200 tỷ đồng, và một nửa trong số này là tiền phạt chậm nộp, chậm nộp.