Trên 71% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế
Tại buổi công bố Báo cáo “Đánh giá Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014” được tổ chức sáng nay (11/8) cho biết, chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế tại tỉnh trung vị năm 2014 là trên 71% theo thang điểm 100.
Buổi công bố do VCCI phối hợp với Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính và Tổ chức Tài chính Quốc tế – Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB-IFC) tổ chức. Đây là nỗ lực cụ thể của các bên có liên quan để thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015 của Chính phủ, trong đó VCCI có nhiệm vụ “tiến hành những khảo sát, nghiên cứu độc lập đánh giá định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ” và “nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành và các địa phương”.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, báo cáo thể hiện các kết quả trên một số lĩnh vực sau:
Tiếp cận thông tin thuế: Việc tiếp cận văn bản pháp luật và chính sách thuế đối với doanh nghiệp mới chỉ ở mức độ nhất định. Cứ 2 doanh nghiệp điều tra thì có 1 doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận dễ dàng văn bản pháp luật, chính sách thuế. 58% doanh nghiệp cho rằng các thông tin về thủ tục hành chính thuế là đơn giản và dễ hiểu. Trung bình, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế.
Việc thực hiện các TTHC thuế: Gần một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết từng gặp phiền hà trong thực hiện TTHC thuế (49%). Hai nhóm thủ tục mà doanh nghiệp đang gặp phiền hà lớn nhất, đó là đăng ký thuế/thay đổi thông tin đăng ký thuế và khai thuế. Đa số các doanh nghiệp cho biết phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Những phiền hà lớn khác bao gồm cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài.
Công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại: Trung bình có 52% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có tiếp đón thanh kiểm tra thuế trong năm 2014. 90% doanh nghiệp có đón tiếp đoàn thanh kiểm tra thuế đồng ý với nhận định rằng thời gian thanh kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành. Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong các lần làm việc tại doanh nghiệp Tuy nhiên, công tác thanh kiểm tra thuế doanh nghiệp cũng cần cải thiện, khi có 26% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh, kiểm tra thuế còn trùng lặp.
Sự phục vụ của công chức thuế: 53% doanh nghiệp đồng ý cho rằng công chức thuế có thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp. 52% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tốt về chuyên môn nghiệp vụ của công chức thuế trong kê khai, quyết toán thuế. Trong lĩnh vực tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và quản lý, cưỡng chế nợ và thanh kiểm tra, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt lần lượt là 47% và 48% .
Trung bình có 32% các doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Khoảng 40% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức.
Đánh giá tác động của những thay đổi pháp luật thuế trong 5 năm qua đối với môi trường kinh doanh, 92% doanh nghiệp cho biết pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế mà tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng: “Kết quả khảo sát cho thấy những cải cách mà ngành Thuế tiến hành trong thời gian qua là đúng hướng, đang được đẩy nhanh và bước đầu đã thu được những thành công. Tôi tin chắc rằng với quyết tâm cao, ngành Thuế sẽ giữ được vai trò dẫn đầu trong quá trình cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đưa Việt Nam ngày một cạnh tranh hơn”.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, công tác cải cách thủ tục hành chính thuế vẫn cần triển khai thường xuyên và liên tục, khi còn gần một nửa doanh nghiệp (49%) cho biết họ đang gặp phải phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế. Phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy những kỳ vọng đối với việc ngành Thuế trong triển khai công tác thanh, kiểm tra thuế cũng cần có thêm nhiều cải thiện. Dù việc thực hiện thanh, kiểm tra thuế là công việc bình thường của cơ quan Thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp mong muốn việc cơ quan thuế thực hiện công tác này cần theo cách thức giảm thiểu gánh nặng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Nam – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, trong cuộc khảo sát đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 này, mặc dù số lượng phản hồi mới chỉ dừng lại ở con số hơn 2.500 doanh nghiệp, song kết quả cũng đã chứng minh những nỗ lực cải cách của cơ quan thuế trong thời gian qua là đúng hướng, đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, công tác thuế cũng còn rất nhiều những tồn tại, hạn chế, cơ quan thuế còn rất nhiều việc phải làm để việc quản lý thuế được minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế. Việc đánh giá mức độ hài lòng của người nộp thuế sẽ được Tổng cục Thuế phối hợp với VCCI thực hiện thường xuyên, và đây chính là thước đo để đánh giá kết quả cải cách, chất lượng phục vụ của cơ quan thuế.
Báo cáo nghiên cứu này tổng hợp kết quả của cuộc khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế năm 2014. Với hơn 2.500 doanh nghiệp tham gia từ đủ 63 tỉnh thành phố của Việt Nam, đây là cuộc khảo sát trên diện rộng đầu tiên trong lĩnh vực thuế, tuy nhiên mới giới hạn ở các doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức – nhóm tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số người nộp thuế, nhưng lại là lực lượng chủ yếu đóng góp vào ngân sách nhà nước. Các đối tượng nộp thuế quan trọng khác như hộ kinh doanh, hợp tác xã, các cá nhân nộp thuế khác… không nằm trong diện điều tra này.