Triển khai công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nhiệm vụ tái cơ cấu còn nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và DNNN phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực mới để đạt mục tiêu đề ra.
Báo cáo tại hội nghị về công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011- 2015 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN Lê Mạnh Hà cho biết, giai đoạn 2011-2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu DNNN và đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã sắp xếp được 591 DN, đạt 96% kế hoạch.
Trong đó, cổ phần hóa 499 DN và bộ phận DN (đạt 96,3% kế hoạch), sáp nhập, hợp nhất 48 DN, giải thể 17 DN, phá sản 8 DN, bán, giao: 10 DN, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 DN.
Với kết quả sắp xếp, 5 năm qua đã nâng tổng số DNNN đã sắp xếp từ trước tới nay là 5.950 DN, trong đó cổ phần hóa là 4.460 DN. Nếu tính thêm số DNNN sắp xếp trong 10 tháng đầu năm 2016 là 60 DN, trong đó cổ phần hóa là 48 DN thì đến nay tổng số DNNN sắp xếp lại là 6.010 DN, trong đó cổ phần hóa 4.508 DN.
Đến nay, sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những DN quy mô nhỏ, DN kém hiệu quả, DN ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến hết tháng 10/2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực...
Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng lên. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực DN (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài Nhà nước 11,8%, FDI 17,9%).
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý DN, về tái cơ cấu DNNN đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tạo khung pháp lý thuận lợi để các DNNN hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu...
Đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN cũng cho thấy, công tác cổ phần hóa DN đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi cổ phần hóa huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Việc bán đấu giá cổ phần công khai trên Sở Giao dịch chứng khoán, cung cấp cho thị trường chứng khoán một lượng hàng hóa chất lượng cao; góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia; tạo sự ổn định cho thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, chi phối giá cả chứng khoán trên thị trường...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, DNNN nhất trí kiến nghị tạo lập môi trường để DNNN hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác; đặc biệt, khi xem xét, đánh giá tính hiệu quả của DNNN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần đánh giá tổng thể các hoạt động của DNNN; nhấn mạnh sự quyết liệt và trách nhiệm của người lãnh đạo DN trong tiến hành CPH, bảo đảm cao nhất lợi ích của Nhà nước và người lao động khi bán cổ phần...
Giai đoạn 2016 - 2020 nhiệm vụ tái cơ cấu còn nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực mới để đạt mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra 3 nhóm nhiệm vụ cần triển khai trong giai đoạn 2016-2020:
Thứ nhất, phải xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút. Theo đó, lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực thất bại thị trường, tức là lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên… thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần rút ra theo tỉ lệ phù hợp hoặc 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Trên cơ sở các lĩnh vực này, phải xác định danh mục DN nào Nhà nước cần nắm giữ 100%, Nhà nước cần chi phối hay Nhà nước cần thoái vốn hoàn toàn.
Phải lành mạnh hóa hoạt động của DN, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa. Giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình như trên trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa. Bộ nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát thì phải xử lý trách nhiệm.
Thứ hai, trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Để thực hiện mục tiêu này, cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia vào quá trình này. Các DN, tập đoàn, tổng công ty cần có cơ chế đột phá trong quy định thuê tư vấn, xác định giá trị DN, xử lý công nợ, phương thức chào bán theo hướng đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, kể cả thương hiệu.
Hoàn thiện quy định nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản Nhà nước tại DN để cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, kể cả việc thuê tư vấn quốc tế. Sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như đấu giá thông thường, hoặc bán cả lô vốn Nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán, quy định về định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn niêm yết. Ban hành quy định về bán toàn bộ DNNN, bao gồm cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao...
Trong quá trình cổ phần hóa phải tăng cường kiểm tra thành tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn DNNN. Có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị DN một cách thực chất, quy định trách nhiệm thực hiện cam kết của cổ đông chiến lược...
Thứ ba, việc đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN mà Nhà nước nắm giữ 100% hoặc giữ cổ phần chi phối, DNNN hoạt động không hiệu quả, không quản lý được vì phải thực hiện nhiều mục tiêu đan xem, thậm chí mâu thuẫn nhau. Vì vậy, cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi DN trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là căn cứ để DNNN hoạt động và hạch toán, tức không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh.