Triển khai Đề án thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh
Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiều nhiệm vụ để thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Theo đề nghị của Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính chủ trì thực hiện nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin các lô hàng xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh với phía Hải quan Nam Ninh Trung Quốc và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 85/2019/NĐ-CP về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với cảnh theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; quản lý để phù hợp với mô hình trao đổi dữ liệu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhiệm vụ này hoàn thành trong quý II/2026.
Tổng cục Hải quan đã hoàn thành xây dựng, bổ sung các chức năng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin các lô hàng xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh với phía Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu.
Hải quan Việt Nam cũng thành lập tổ công tác làm việc với Hải quan Nam Ninh để triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình Cửa khẩu thông minh giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong lĩnh vực hợp tác về hải quan.
Từ nay đến hết quý I/2025, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục trao đổi, thống nhất với phía Hải quan Nam Ninh về việc hai bên sẽ thành lập nhóm làm việc để xây dựng kế hoạch triển khai và thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu; nội dung, phương thức, tần suất tiếp nhận, xử lý dữ liệu thông tin tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển qua lại hai bên.
Trong đó, sẽ xây dựng cơ chế làm việc, trao đổi giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Nam Ninh để triển khai thực hiện thí điểm mô hình Cửa khẩu thông minh tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Thỏa thuận giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Nam Ninh về việc thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu; nội dung, phương thức, tần suất tiếp nhận, xử lý dữ liệu thông tin tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển qua lại hai bên để triển khai thực hiện thí điểm mô hình Cửa khẩu thông minh tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Đến quý IV/2025, hoàn thành xây dựng quy định tạm thời về quy trình, thủ tục hải quan và giám sát hải quan, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu thông minh. Theo đó, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định tạm thời về quy trình, thủ tục hải quan và giám sát hải quan, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu thông minh; hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ hệ thống nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia gửi Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định (trong trường hợp hệ thống này được đề xuất cấp độ 4 trở lên).
Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình thiết kế, xây dựng phương án đảm bảo an ninh mạnh cho hệ thống thông tin phục vụ triển khai Đề án thí điểm Cửa khẩu thông minh. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông giám sát đảm bảo an ninh mạng trong quá trình kết nối liên thông dữ liệu với Hải quan Trung Quốc; chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia.
Về việc xây dựng kế hoạch mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhà nước về hải quan cần thiết để triển khai thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng quy hoạch khu vực cửa khẩu thông minh, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, kho bãi tại khu vực cửa khẩu thông minh để xây dựng kế hoạch mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhà nước về hải quan cần thiết để triển khai thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh tránh lãng phí trong việc đầu tư.
Song song với các nhiệm vụ chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ban hành hướng dẫn đảm bảo duy trì an ninh trật tư; an ninh mạng đối với việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu kết nối thông tin logistics và hệ thông tin thông liên quan; cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, xây dựng quy định tạm thời về quy trình kiểm dịch y tế đối với phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu; hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát công nghệ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương chủ động phát huy cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi để giữ ổn định các hàng hóa truyền thống, mở rộng thêm các hàng hóa mới. Thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”, thúc đẩy kết nối các phương thức vận chuyển hàng hóa.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các nghị định thư xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh việc đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở bao gói gắn với truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, bảo đảm chất lượng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trước khi đưa ra thị trường...