Triển khai hiệu quả các giải pháp kiểm soát chi ngân sách nhà nước
Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội, thể hiện qua nội dung như: Rà soát,hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công.... Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai các giải pháp hiệu quả để thực hiện kiểm soát chi các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN).
Năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, với nhiều khó khăn, thách thức; cơ chế chính sách liên quan đến quản lý tài chính nói chung, quản lý kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nói riêng có nhiều thay đổi, điều chỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật NSNN; công tác giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục đầu tư qua nhiều bước... dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN những tháng đầu năm 2016 đạt thấp.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết nhằm tổ chức, điều hành quản lý chi từ NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã chủ động ngay từ đầu năm rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể từng trường hợp, tạo cơ sở để hệ thống KBNN thực hiện kiểm soát chi thuận lợi, thông thoáng.
Đối với công tác kiểm soát chi thường xuyên, KBNN đã hướng dẫn, chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố rà soát, thực hiện kiểm soát chi NSNN trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao; từ chối, không thanh toán đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công việc nào của công tác tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu (trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật và trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện) theo đúng quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/01/2016 của Chính phủ và hướng dẫn tại Công văn số 3667/BTC-HCSN ngày 21/3/2016 của Bộ Tài chính.
KBNN tổ chức tọa đàm với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án theo hai khu vực phía Bắc tại Hà Nội, phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, qua đó những vướng mắc về cơ chế chính sách, về tổ chức triển khai thực hiện dự án đã được các đại biểu tham dự nhiệt tình nêu ra và trao đổi, được đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính giải đáp, hướng dẫn thực hiện.
Bên cạnh đó, KBNN các tỉnh, thành phố đã tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tại địa phương.
Công tác báo cáo tình hình kiểm soát chi và giải ngân vốn đầu tư cũng được KBNN và các đơn vị trong hệ thống quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, nhất là các kỳ báo cáo số liệu giải ngân đến ngày 30/9/2016 và ngày 31/12/2016, làm cơ sở để KBNN báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 theo quy định tại Nghị quyết 60.
Về công tác nội bộ, KBNN đã chỉ đạo, quán triệt công chức làm công tác kiểm soát chi nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện kiểm soát hồ sơ ngay khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến KBNN theo quy định; tuyệt đối không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; đảm bảo tuân thủ thời gian kiểm soát thanh toán tối đa không quá 04 ngày làm việc theo quy định đối với các dự án đủ điều kiện giải ngân.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính và KBNN, KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm soát các khoản chi NSNN đảm bảo đúng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao; nhiều khoản chi không đúng quy định, chi mua sắm, sửa chữa thực hiện sau ngày 30/6/2016 đã được các đơn vị KBNN từ chối, không thanh toán; thực hiện kiểm soát chặt chẽ các đề nghị mua xe ô tô của các đơn vị, trên cơ sở tuân thủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với chi đầu tư, KBNN các tỉnh, thành phố đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian kiểm soát chi, đảm bảo không quá 04 ngày làm việc đối với hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư đủ điều kiện giải ngân; chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 của từng dự án, nhất là tình hình giải ngân tại các thời điểm ngày 30/9/2016, báo cáo về KBNN để tổng hợp phục vụ việc chỉ đạo điều hành, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 60.
Mặt khác, KBNN các cấp đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, các sở, ban ngành và các chủ đầu tư tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc, nhất là những dự án chưa giải ngân, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%), dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời; thực hiện công khai tại trụ sở và thông báo số liệu giải ngân vốn đầu tư XDCB kế hoạch năm 2016 đến các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn để các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nắm được tình hình và có biện pháp đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư.
Kết quả đạt được
Với sự nỗ lực cố gắng cùng với các giải pháp KBNN đã triển khai, tính hết ngày 31/12/2016 kết quả kiểm soát chi NSNN qua hệ thống KBNN đã đạt được như sau:
Đối với chi thường xuyên, tổng số chi thường xuyên đã giải ngân 753.307 tỷ đồng, đạt 90% dự toán năm 2016 qua KBNN. So với cùng kỳ năm trước thì tỷ lệ giải ngân 12 tháng năm 2016 cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về số tương đối (giải ngân chi thường xuyên cùng kỳ năm 2015 là 735.512 tỷ đồng, đạt 94,67% so với dự toán năm 2015).
Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vịKBNN đã phát hiện ước khoảng 28.762 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 42 tỷ đồng.
Ước giải ngân chi thường xuyên cả năm 2016 (tính đến ngày 31/01/2017) là 795.326 tỷ đồng, đạt 95% dự toán chi thường xuyên năm 2016, tỷ lệ giải ngân cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về số tương đối so với cùng kỳ năm 2015 (lũy kế giải ngân chi thường xuyên đến 31/01/2016 là 776.059 tỷ đồng, đạt 99% so với dự toán năm 2015).
Đối với chi đầu tư, tổng số vốn đầu tư giải ngân qua KBNN là: 253.607 tỷ đồng, đạt 75,7% so với kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao, tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 là 266.739,8 tỷ đồng, đạt 84,6% kế hoạch vốn năm).
Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư 12 tháng năm 2016, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán 136 tỷ đồng; số tiền từ chối này là do chủ đầu tư đề nghị thanh toán chưa đúng quy định của nhà nước, chưa đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán, một số dự án khởi công mới năm 2016 nhưng có quyết định đầu tư phê duyệt sau ngày 31/03/2016 không đúng quy định.
Tính đến ngày 31/12/2016 giải ngân vốn đầu tư là 290.820,8 tỷ đồng, đạt 86,8% kế hoạch vốn nhà nước giao cấp qua KBNN, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (lũy kế vốn đầu tư giải ngân 13 tháng năm 2015 là 292.746,3 tỷ đồng, đạt 92,8% so với kế hoạch vốn năm 2015).
Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư bình quân của các Bộ, địa phương tính đến hết tháng 12/2016 đã có 22/51 đơn vị Bộ, ngành do Trung ương quản lý và 56/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt từ 70% kế hoạch vốn năm 2016 trở lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số Bộ có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB kế hoạch năm 2016 đạt thấp dưới 50%.
Qua số liệu báo cáo nói trên cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác kiểm soát chi và giải ngân vốn đầu tư XDCB; tính từ tháng 7/2016 đến nay vốn đầu tư giải ngân qua KBNN tăng 162.216,1 tỷ đồng, chiếm 64% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân từ đầu năm đến nay và bằng 177,5% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân của 6 tháng đầu năm.
Điều này có thể nhận thấy rõ các giải pháp tại Nghị quyết 60 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ nên đã có dấu hiệu tích cực góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.
Một số khó khăn vuonwgs mắc và kiến nghị giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính trên thực tiễn đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc, như: Nhu cầu chi NSNN của các đơn vị khá lớn, các nhiệm vụ chi, nhất là các khoản chi mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, đã được các đơn vị xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, hoặc các khoản chi sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô, thiết bị tin học... phát sinh đột xuất, không thể trì hoãn... việc dừng thanh toán đối với những trường hợp này thực hiện sau ngày 30/6/2016 đã ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên của các đơn vị.
Kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp giải quyết, đồng thời sớm có hướng dẫn thực hiện cho năm 2017.
Đối với chi đầu tư, là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công, nên các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư còn lúng túng trong khâu lập, xây dựng, thẩm định và phê duyệt các hồ sơ, thủ tục đầu tư theo trình tự đầu tư công; nhiều dự án đầu tư sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, cấp ngân sách cũng khác nhau đã không được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư kịp thời trước ngày 31/3/2016 theo quy định, nên đã bị dừng, không được thanh toán; mặt khác các dự án khởi công mới này còn phụ thuộc vào việc kiện toàn, sắp xếp các ban quản lý dự án theo quy định của Luật Xây dựng và hướng dẫn tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng nên gần như chưa được giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2016...
Các trường hợp này đề nghị điều chỉnh trong nội bộ các Bộ, địa phương, chuyển kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện, hoàn thành trong năm hoặc dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư đã được giao 2016.
Bước sang năm 2017, với chủ trương tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng Bộ và địa phương, giảm tối đa chi cho hội nghị, hội thảo, hạn chế mua xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền... theo Nghị quyết số 27/2016/ QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2017; đối với chi đầu tư, cần bố trí vốn tập trung, dứt điểm các dự án hoàn thành trong năm, hạn chế khởi công mới, đồng thời ưu tiến bố trí vốn đầu tư trả nợ khối lượng XDCB năm 2014 nhưng kế hoạch năm 2015 chưa bố trí đủ nguồn để thanh toán.
Hy vọng những khó khăn vướng mắc của năm 2016 sẽ sớm được các cấp, các ngành nghiên cứu, cụ thể hóa và có giải pháp thực hiện ngay từ đầu năm, tạo điều kiện để các đơn vị cũng như hệ thống KBNN hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 được giao.