Triển vọng kinh tế toàn cầu khá vững ổn dù có rủi ro địa chính trị
Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính châu Á ở Hong Kong, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu nhìn chung sẽ vững ổn trong năm tới dù có những rủi ro chính trị nhất định.
Theo ông Lew, đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ khá ổn, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp, châu Âu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng, Nhật Bản đang có nhịp độ tăng trưởng ngắn hạn cao hơn dự kiến và kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh trong lúc xuất hiện nhiều rủi ro chính trị, trong đó có nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên. Beencanhj đó còn có những lo ngại rằng bong bóng trong nền kinh tế Trung Quốc có thể xì vỡ và chủ nghĩa dân túy gia tăng ở một số nước.
Ông Lew nói tuy triển vọng tăng trưởng của toàn cầu sẽ vẫn ổn định, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần ngăn chặn những rủi ro mà có thể kiểm soát. Còn các nhà đầu tư cần tập trung vào giá trị căn bản khi đưa ra các lựa chọn đầu tư, bởi sẽ có những điều chỉnh trên thị trường theo thời gian và cùng với nhiều rủi ro địa chính trị, trong lúc chu kỳ kinh doanh sẽ vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, ông Lew lo ngại về cải cách thuế mới được ban hành ở Mỹ, cho rằng việc cắt giảm thuế làm lợi cho người giàu vốn đã có lợi khi nền kinh tế phục hồi không đồng đều và sẽ khiến Mỹ gánh thêm 1.500 tỷ USD tiền nợ trong một thập niên. Theo ông, cải cách thuế sẽ có tác động nhỏ trong thúc đẩy kinh tế vĩ mô ngắn hạn và sẽ là biện pháp kích thích khiêm tốn trong dài hạn, bởi việc tăng lãi suất sẽ vô hiệu hiệu quả của việc cắt giảm thuế. Ông cho rằng trong ngắn hạn, cải cách thuế sẽ làm phức tạp nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và trong dài hạn, thì sẽ tiếp tục gây sức ép tăng lãi suất và giảm năng lực đầu tư công trong nền kinh tế do làm tăng đáng kể nợ quốc gia.
Đối với Trung Quốc, ông Lew nói nước này đứng trước một số thách thức như nợ gia tăng nhanh, gây lo ngại bong bóng có thể xì vỡ, hoặc trong lĩnh vực bất động sản hoặc trong ngành công nghiệp. Theo ông, Trung Quốc nên cho phép các uy lực thị trường định hướng cho các quyết định đầu tư và tín dụng, nhưng tín dụng xuất khẩu dễ dàng cũng sẽ cản trở sự tăng trưởng của một nền kinh tế chú trọng hơn vào tiêu dùng của Trung Quốc. Ông cho rằng việc tiếp tục cải cách thị trường không chỉ đem lại những lợi ích kinh tế cho Trung Quốc mà còn làm giảm căng thẳng với Mỹ, và mối quan hệ hữu hảo giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là có tầm quan trọng lớn với phần còn lại của thế giới.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, phát biểu tại diễn đàn trên, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế David Lipton cho biết Trung Quốc, đối tác thương mại chủ chốt của trên 100 quốc gia, đã trở thành trung tâm của các chuỗi cung ứng toàn cầu và câu chuyện thành công này của Trung Quốc gắn chặt với những vận hội của kinh tế toàn cầu. Ông nói chỉ riêng Trung Quốc đã đóng góp 1/3 mức tăng trưởng của toàn cầu.