Triển vọng phát triển thị trường carbon ở Việt Nam

Huy An

Việt Nam đặt mục tiêu thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Việc hình thành thị trường carbon giúp nước ta nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.

Đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức.
Đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức.

Đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Để hướng dẫn cụ thể hơn về việc giảm phát thải khí nhà kính, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo dự thảo Đề án, đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Bên cạnh đó Đề án cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2028, nước ta sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon góp phần cắt giảm lượng khí nhà kính theo hướng như cam kết khí hậu trước đây, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Tiềm năng phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Nhìn nhận về thị trường carbon hiện nay, ông Nguyễn Thành Công - Phó trưởng Phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thị trường carbon có 2 loại hàng hoá giao dịch. 

Loại thứ nhất là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp (DN) có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Nếu phát thải thêm sẽ phải mua hạn ngạch từ các DN khác, vì thế giá hạn ngạch carbon tại thị trường như Liên minh châu Âu, Mỹ thường rất cao.

Loại thứ hai là tín chỉ carbon mang tính tự nguyện. Khi DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, ví dụ như trồng rừng sẽ được các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm phát thải và cấp tín chỉ. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên mức giá dao động rất rẻ (trong ngưỡng 1 USD/tấn), nhưng cũng có thể có giá rất cao (ngưỡng 15 USD/tấn), tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.

Tại Việt Nam, hiện nay mới có 2 dự án bán tín chỉ carbon ra quốc tế là dự án ở Bắc Trung bộ giá khoảng 6 USD/tín chỉ; dự án ở Quảng Nam giá 10 USD/tín chỉ. Tuy nhiên, mức giá của dự án sẽ còn phụ thuộc vào các lợi ích khác cho cộng đồng, giá bán sẽ cao hơn khi những DN tự nguyện mua.

Khẳng định ngành Lâm nghiệp Việt Nam đang nắm giữ một lượng lớn tín chỉ carbon, ông Phạm Hồng Lượng - Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới, khoảng hơn 42%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%.

Với tiềm năng đó, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành, dưới sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế như GIZ tham mưu trình Chính phủ về Luật Lâm nghiệp. Đây là luật đầu tiên đưa nội dung dịch vụ hấp thụ carbon vào khuôn khổ pháp lý cao nhất. Sau đó là các nghị định quy định chi tiết về dịch vụ hấp thụ carbon, để thúc đẩy thị trường giao dịch, trao đổi mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho hay, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều.

Việt Nam có nhiều tiềm năng vì có 3/4 là đất rừng, tuy nhiên từ trước xảy ra tình trạng chặt phá rừng để trồng cây công nghiệp, do đó tỷ lệ rừng nguyên sinh còn ít, chỉ còn rừng trồng. Nếu chặt rừng làm cây công nghiệp chỉ đạt doanh thu 75 triệu/ha, nhưng nếu làm rừng để hấp thụ carbon với mức trung bình 150 tấn carbon/ha, tương đương khoảng 6.000 USD/ha/năm.

Theo thống kê của Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, thị trường Việt Nam có khoảng gần 40 triệu tín chỉ carbon. Tuy nhiên, với thông tin tiếp cận về thị trường còn hạn chế, nhiều lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, khả năng chuyển đổi xanh còn chậm.

Trên thực tế, số tín chỉ carbon của Việt Nam cao hơn 40 triệu, bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... đều tạo ra tín chỉ carbon. Hiện nay, tình trạng phát thải carbon tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới, nên để giảm phát thải, nhu cầu hấp thụ carbon ở Việt Nam cũng rất cao.

Để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải.

Theo đó, các DN thuộc lĩnh vực chất thải phải thực hiện trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ năm 2024 trở đi. Đồng thời, các DN phải xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023-2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở...

Như vậy, việc hình thành thị trường carbon trong nước giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.