Triển vọng phục hồi kinh tế của Ấn Độ lu mờ trước khủng hoảng dịch Covid-19
Chỉ mới cách đây 2 tuần, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Ấn Độ lên mức 12,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, hiện nay, khi Ấn Độ đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 2, những nhận định tươi sáng này đang ngày càng lung lay.
Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận tới 350.000 ca nhiễm Covid-19 mới, tương đương một nửa tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu. Hầu hết các bệnh viện tại Ấn Độ đã phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới do thiếu giường bệnh và oxy y tế.
Tại thủ đô Delhi với 15 triệu dân, hầu hết các đường phố im lim khi chính quyền thành phố áp đặt lệnh phong toả nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Khung cảnh tương tự cũng diễn ra tại thành phố Mumbai – thủ phủ tài chính đóng góp đến 6% tổng GDP của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn đang tránh áp dụng biện pháp phong toả toàn quốc như đã từng làm hồi năm ngoái do lo ngại các tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và khuyến khích các bang vẫn duy trì các hoạt động kinh tế. Do đó, giới phân tích dù đã nhận ra những rủi ro đối với quá trình phục hồi kinh tế của Ấn Độ nhưng chưa điều chỉnh các dự báo trước đó.
Trong ngày 22/4, Tập đoàn tài chính Fitch (Hoa Kỳ) nhận định: “Làn sóng bùng phát Covid-19 lần hai tại Ấn Độ có thể làm trì hoãn tiến trình phục hồi kinh tế của quốc gia này. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì đợt bùng phát này không có khả năng làm chệch hướng quá trình phục hồi”.
Đồng thời, Fitch tiếp tục giữ nguyên dự báo GDP của Ấn Độ trong năm tài chính 2021 (3/2021 – 3/2022) với mức tăng 12,8%.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm tài chính 2021 ở mức 10,5%. Tuy nhiên, Thống đốc RBI ông Shaktikanta Das cảnh báo sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới Covid-19 đang tạo ra những bất ổn lớn hơn và có thể cản trở quá trình phục hồi kinh tế của nước này.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Abhishek Gupta của chuyên trang tin kinh tế Bloomberg Economics (Hoa Kỳ), cho biết các dữ liệu cho thấy hoạt động bán lẻ tại Ấn Độ trong tuần kết thúc vào ngày 18/4 đang có xu hướng suy giảm so với mức trước khi đại dịch bùng phát hồi tháng 1/2020. Đây có thể là dấu hiệu chỉ báo rủi ro đối với nền kinh tế Ấn Độ khi tiêu dùng chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng GDP của nước này.
Nhà phân tích Teresa John của hãng chứng khoán Nirmal Bang Equities (Ấn Độ) cũng cảnh báo “Việc từng địa phương của Ấn Độ đưa ra các biện pháp ngăn chặn đại dịch riêng sẽ là lực cản đối với tăng trưởng”. 10 bang của Ấn Độ, vốn chiếm khoảng 80% tổng số ca nhiễm Covid-19 của cả nước, đang đóng góp gần 65% tổng GDP của Ấn Độ.
Sự lưỡng lự của các nhà kinh tế trong việc xem xét lại các dự báo tăng trưởng có thể bắt nguồn từ kỳ vọng cuộc khủng hoảng y tế của Ấn Độ sẽ sớm kết thúc. Hiện Ấn Độ đang đứng đầu thế giới về sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và đã có hơn 100 triệu người trên tổng số 1,3 tỷ dân của Ấn Độ được tiêm chủng vaccine. Bên cạnh đó, giới chức Ấn Độ cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua các tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại cơn ác mộng y tế của Ấn Độ có thể sẽ không nhanh chóng biến mất khi nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày trong ít nhất ba ngày liên tiếp gần đây. Đợt bùng phát này đang đánh thẳng vào niềm tin tiêu dùng của người dân khi nền kinh tế vừa mới bắt đầu phục hồi sau đợt suy thoái nghiêm trọng năm ngoái.
Ông Kristy Fong, Giám đốc đầu tư cấp cao về chứng khoán châu Á tại Aberdeen Standard (Anh), nhận định “Sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới đã khiến một số khu vực tái áp đặt các biện pháp phong toả một phần và có thể phong toả hoàn toàn nếu tình hình xấu đi. Điều này sẽ gây tác động mạnh đến nỗ lực tái mở cửa nền kinh tế cũng như triển vọng phục hồi của Ấn Độ”.
Những lo ngại đã khiến thị trường chứng khoán Ấn Độ lao dốc liên tiếp trong vòng 3 tuần gần đây. Đồng Rupee của Ấn Độ cũng trở thành đồng tiền có diễn biến tệ nhất khu vực trong tháng 4 này. Điều này phản ánh ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại các tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.
Bên cạnh đó, giới chức nước này đang cạn dư địa thông thường để hỗ trợ nền kinh tế khi mức lãi suất điều hành đã xuống mức thấp kỷ lục và khoản tài chính trị giá 12.100 tỷ Rupee (162 tỷ USD) đã được tung ra hồi năm ngoái.