Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN

Việt Dũng

Bộ Tài chính vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN).

Triệt để thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên trừ các khoản tiền lương, phụ cấp lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ
Triệt để thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên trừ các khoản tiền lương, phụ cấp lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ

Quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu NSNN, góp phần cơ cấu lại chi NSNN

Bộ Tài chính cho biết, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN, Bộ đặt chỉ tiêu tiếp tục đẩy mạnh quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu NSNN để giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, góp phần cơ cấu lại chi NSNN. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu triệt để thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) để ưu tiên tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng chi NSNN được cấp thẩm quyền giao.

Trong điều hành, yêu cầu các đơn vị tiếp tục triệt để cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách, như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị... Không bố trí chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện. Kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập và từng bước thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, đấu thầu và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng phù hợp với định hướng mục tiêu, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 và Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện công khai về nội dung, kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), Bộ Tài chính đặt chỉ tiêu quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ĐVSNCL theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Triển khai việc giao quyền tự chủ toàn diện cho các ĐVSNCL theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL.

Tập trung thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12/8/2021 đảm bảo đúng quy định, công khai minh bạch, không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Trong đó, NSNN không hỗ trợ chi thường xuyên đối với ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên. Với các ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên cần xây dựng dự toán chi NSNN giai đoạn 2022-2025 giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi NSNN giai đoạn 2017-2021; năm 2022 giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN.

Đồng thời, thực hiện giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách, hướng tới mục tiêu năm 2025 giảm tối thiểu bình quân 10% số lượng ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021.

Đối với các ĐVSNCL do NSNN đảm bảo chi thường xuyên tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN so với giai đoạn 2016-2020, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.

Thực hiện nghiêm giải pháp về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên

Nhằm thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, thực hiện nghiêm quy định của Luật NSNN trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán NSNN.

Hai là, THTK, CLP trong tổ chức hội nghị, tổng kết, các đơn vị tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý các công việc trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính qua đó tiết kiệm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu..., chi phí đi lại, ăn ở của đại biểu; Thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo; chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế; hạn chế phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí NSNN.

Các đơn vị tổ chức thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý để kết hợp tổ chức các cuộc họp một cách hợp lý. Tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng người tham dự cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm trong tổ chức đi công tác nước ngoài. Tập trung bố trí kinh phí cho các đoàn đi đàm phán, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng chế độ quy định; hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, bao gồm cả đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án ODA và các dự án có sử dụng nguồn kinh phí từ NSNN.

Thực hiện quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào đúng người, đúng mục đích và phải căn cứ vào dự toán và danh mục đoàn ra, đoàn vào được phê duyệt từ đầu năm của mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN. Hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài bổ sung không theo dự toán, danh mục từ đầu năm; chỉ bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt cần thiết.

Thực hiện nghiêm quy định chế độ công tác phí đối với công chức, viên chức đi công tác trong nước. Các trường hợp áp dụng khoán công tác phí, trường hợp thanh toán theo thực tế, hồ sơ, thủ tục, chứng từ thanh toán... phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.

Ba là, rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả; cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả. Thực hiện tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí các đề tài nghiên cứu khoa học.

Bốn là, từng bước thực hiện đổi mới phương thức quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn NSNN.

Năm là, tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ của ĐVSNCL theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý. Triển khai tích cực, hiệu quả Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các văn bản có liên quan quy định về cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL. Đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, từ đó chuyển từ hỗ trợ NSNN cho các ĐVSNCL sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách khi tham gia các dịch vụ công. 

Sáu là, thực hiện nghiêm túc công khai, dân chủ trong điều hành, tổ chức thực hiện dự toán, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật về quy chế công khai tài chính đối với các cấp NSNN, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn NSNN. 

Bảy là, Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính sử dụng kinh phí NSNN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về quyết toán NSNN của đơn vị mình và có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán NSNN đối với đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc quyết toán chi NSNN không có khối lượng, không đúng thủ tục, sai nội dung; phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp chi sai quy định.

Tám là, điều hành, quản lý chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định.

Chín là, thực hiện triệt để tiết kiệm toàn diện các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. THTK, CLP trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm...