Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách

PV. (T/h)

Sáng ngày 23/8/2022, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính để chuẩn bị cho giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trình Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2022 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: QH

Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 1.206 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính, ngân sách. Nhiều văn bản ban hành đã giúp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN).

Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương. Từ năm 2016-2021, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã tiết kiệm được hơn 6.087 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN.

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, giai đoạn 2016-2021 đã cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản…

Trong tổ chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Bộ, theo đó đã giảm từ 36 đơn vị xuống còn 26 đơn vị, tương đương giảm khoảng 28% số lượng đơn vị sự nghiệp.

Thực hiện tiết kiệm trong quá trình lập dự toán chi NSNN, giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài chính đã tính giảm cho NSNN khoảng hơn 22.300 tỷ đồng. Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đã có 28 bộ, ngành và 60 địa phương thực hiện rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã báo cáo Đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 2016-2021.

Theo đó, trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 104 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có 5 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Trong giai đoạn 2016-2021, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước trên cả nước là 350 nghìn tỷ đồng; giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 546 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 12,35% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Từ năm 2015 đến năm 2020, đã tinh giản được 74.443 biên chế.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: QH
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: QH

Đối với quản lý, điều hành NSNN và quản lý đầu tư công, cơ cấu chi giai đoạn 2016-2021 tiếp tục chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn lên trên 28%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2016-2021 đạt 80,23% kế hoạch. Công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được chú trọng, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí….

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn nêu ra một số tồn tại, hạn chế như: còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về ban hành, thời hạn lập, gửi báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn bất cập, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng chưa đạt kết quả như mong muốn…

Cho ý kiến tại buổi làm việc, đa số thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Tài chính được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; đồng thời, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Tài chính đã đạt được nhiều kiết quả đáng ghi nhận. Các thành viên Đoàn giám sát cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong công tác này và đề nghị khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiến hành rà soát, kiến nghị đề xuất sửa đổi thể chế, chính sách cho phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ sản phẩm công ích. Đồng thời, tiếp tục rà soát việc ban hành các định mức về phân bổ chi thường xuyên, chi tiêu công; đánh giá lại việc khoán xe công; việc phát hành trái phiếu Chính phủ; rà soát tổng nguồn phục vụ cải cách tiền lương; tăng cường chống chuyển giá trong doanh nghiệp FDI đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư nhưng đảm bảo môi trường kinh doanh...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo và nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng giải trình, làm rõ ý kiến thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến việc xây dựng chính sách pháp luật; quản lý, sử dụng biên chế; phân bổ kinh phí cho nhiệm vụ khoa học công nghệ; thực hiện tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý thu qua hoạt động kinh doanh trên nền tảng số…