Trình Chính phủ 3 phương án về "địa bàn hoạt động hải quan "

theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo quy định hiện hành, các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan ngoài khu kinh tế cửa khẩu không phải là địa bàn hoạt động hải quan, đã gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan Hải quan. Vì vậy, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã dự thảo 3 phương án sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để quy định địa bàn hoạt động hải quan tại những nơi này.

Lối mở Bản Vược - Lào Cai. Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Lối mở Bản Vược - Lào Cai. Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 32/2005/NĐ-CP ngày 14-3-2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền, Điều 7 và Điều 9 Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 7-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới (đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 139/2009/QĐ-TTg) thì cửa khẩu phụ chỉ được mở cho người, phương tiện vận tải, hàng hoá của Việt Nam và nước láng giềng ở Khu vực biên giới, vùng biên giới qua lại, lối mở được UBND tỉnh biên giới Việt Nam và tỉnh nước láng giềng hiệp thương xác định mở thì chỉ được phép mua bán, trao đổi hàng cư dân biên giới.

Thực tế hiện nay, trên các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam đã thành lập tổng số 254 cửa khẩu và đường mòn (lối mở), gồm 22 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 43 cửa khẩu phụ và 165 lối mở. Như vậy, có rất nhiều địa điểm có hoạt động xuất nhập khẩu dẫn đến việc lực lượng Hải quan bố trí mỏng, rất khó khăn trong công tác kiểm soát hải quan khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Để thực hiện đúng quy định tại Nghị định 32/2005/NĐ-CP, Quyết định 254/2006/QĐ-TTg đối với các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan ngoài khu kinh tế cửa khẩu chưa có đủ lực lượng chức năng quản lý tại địa bàn, cơ sở hạ tầng và điều kiện làm việc thì chỉ được phép xuất nhập khẩu hàng hoá của tỉnh biên giới (quy định tại khoản 4 Điều 9 Quyết định 254/2006/QĐ-TTg). Theo đó, những địa điểm này không phải là địa bàn hoạt động hải quan đối với các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan chưa có điều kiện nâng cấp thành cửa khẩu chính.

Song thực tế, những nơi đã có hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo quản lý nhà nước cần phải được cấp có thẩm quyền công nhận và cho tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu như cửa khẩu chính để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý và nhằm từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cửa khẩu biên giới.

Vì vậy, để nhằm nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan nhà nước liên quan tại những khu vực này, Tổng cục Hải quan đã dự thảo 3 phương án quy định địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu phụ, lối mở để trình Thủ tướng Chinh phủ xem xét.

Phương án 1: Giữ nguyên như quy định hiện hành: cửa khẩu phụ, lối mở do UBND tỉnh quyết định là địa bàn hoạt động hải quan.

Phương án 2: Các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan có đủ 3 lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch hoạt động, có cơ hạ tầng đảm bảo quản lý nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép hoạt động xuất nhập khẩu hoặc Thủ tướng uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của UBND.

Phương án 3: Các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan có đủ 3 lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch hoạt động, có cơ sở hạ tầng đảm bảo quản lý nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép hoạt động xuất nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương.

Quan điểm của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) nghiêng về phương án 3. Bởi quy định theo phương án này vừa phù hợp với quy định của Luật Hải quan (sửa đổi) lại vừa giúp cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ quản lý một cách hiệu quả.