Trụ cột chính giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng. Đây được coi là xu thế phát triển tất yếu và Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong, chủ động hội nhập trên hành trình xanh của toàn cầu. Trên con đường chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm.
Tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 vừa được tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, kinh tế xanh và chính sách thực thi để Việt Nam xử lý các vấn đề về kinh tế xanh đến nay đã không còn là tự nguyện, không chỉ là hoạt động từ thiện hay trồng cây… mà đó còn là những quy định khắt khe bắt buộc tuân thủ. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp phải hết sức lưu ý.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để đạt được nhiều thành tựu trên con đường chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, Việt Nam nói chung và trực tiếp là các doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng cần phải xác định các trụ cột chính "để tất cả mọi tư duy và hành động đều phải xoay quanh các trụ cột này". Theo đó, có thể đến các trụ cột chính sau:
Thứ nhất, trong chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là doanh nghiệp - người cầm trịch “cuộc chơi” này phải xác định tăng cường sử dụng điện gió, điện mặt trời là yêu cầu bắt buộc thay cho các năng lượng không tái tạo như than, khí tự nhiên...
Thứ hai, là nguyên liệu đầu vào sản xuất, việc doanh nghiệp tăng cường sử dụng nguyên liệu trong chuỗi kinh tế tuần hoàn và áp dụng công nghệ sản xuất mới để giảm phát thải khí nhà kính là xu thế phải thực hiện.
Thứ ba, là rừng. Rừng là nguồn tài nguyên trong tương lai rất gần. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, từ câu chuyện của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia bán tín chỉ cácbon cho thấy rừng đang trở thành "tay vịn" vững chắc trong từng bước chuyển dịch của nền kinh tế xanh. Phát triển giờ không chỉ để tham gia vào cuộc chơi thị trường tín chỉ các-bon mà quan trọng hơn là "giữ được rừng cũng là giữ được nguồn nước". Bên cạnh đó, rừng cũng là nơi sản sinh, duy trì nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất.
Thứ tư, cần xác định một tư duy tự cường và sống bền vững cho tương lai. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu chỉ có Chính phủ cố gắng, các doanh nghiệp cố gắng kiềm chế phát thải để phát triển xanh nhưng nhu cầu của từng cá nhân lại quá lớn và mỗi tổ chức, cá nhân đều giữ tư tưởng doanh nghiệp phải là chủ thể chính trong hành trình phát triển xanh thì chúng ta đang kéo lùi bước đi chung.